Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về vai trò của công tác phòng chống dịch bệnh đối với sự phát triển bền vững của ngành thủy sản trong thời gian qua?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Năm 2020, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xâm nhập mặn, “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”,..nhưng thủy sản vẫn đạt sản lượng 8,4 triệu tấn, xuất khẩu trên 8,4 tỷ USD, góp phần vào giá trị xuất khẩu trên 41 tỷ USD của ngành nông nghiệp.

Ngày 11/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đề ra mục tiêu sản lượng khai thác đạt 2,8 triệu tấn, nuôi trồng đạt 7 triệu tấn. Trong điều kiện năm 2020, sản lượng nuôi trồng của chúng ta mới chỉ đạt 4,56 triệu tấn. Như vậy, tốc độ nuôi trồng sẽ phải tăng lên để thực hiện mục tiêu Chiến lược. Trong khi đó, chúng ta biết phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trên cạn cũng như vật nuôi dưới nước rất quan trọng. Đây là biện pháp hàng đầu để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời góp phần vào việc đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu.

Chúng ta biết trong Chiến lược phát triển thủy sản được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xuất khẩu thủy sản những năm tới đây phấn đấu đạt từ 14-16 tỷ USD. Ngành thủy sản với 2 sản phẩm chủ lực là cá tra và tôm nước lợ, trong nhiều năm qua đạt sản lượng tương đối cao, trong đó, với tôm nuôi đạt 740 nghìn ha, sản lượng năm 2021 phấn đấu đạt 940 nghìn tấn. Cá tra đạt diện tích 6200 ha và sản lượng khoảng trên 1,5 triệu tấn.

Do vậy, để đạt được những mục tiêu này, công tác phòng chống dịch bệnh đối với động vật dưới nước rất quan trọng. Từ đây, sẽ xây dựng những vùng an toàn dịch bệnh vừa tạo nguồn nguyên liệu vừa đảm bảo theo các tiêu chuẩn, phục vụ cho cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

PV: Công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới cần đặt yếu tố nào lên hàng đầu để đạt được hiệu quả trong bối cảnh năm 2020 diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại tăng lên nhiều, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta cần giải quyết là an toàn sinh học. Do vậy, với nuôi tôm và cá tra, cần tính đến hạ tầng như thế nào để đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học. Đây là yếu tố quyết định thành công của phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra còn các yếu tố khác, ví dụ như: nguồn giống phải chuẩn, thức ăn và quy trình nuôi trồng, chế phẩm sinh học phải đảm bảo, từ đó chúng ta mới có thể hạn chế được các yếu tố dịch bệnh.

Chúng ta biết, giống vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ, thức ăn chăn nuôi, quy trình nuôi chúng ta đang phải rà soát. Đặc biệt với chế phẩm sinh học được đưa vào sử dụng rất nhiều, tới đây Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản báo cáo toàn bộ hệ thống chế phẩm, không để người sử dụng chế phẩm không có hiệu quả, vừa làm giá thành cao vừa làm cho hiệu quả nuôi trồng thủy sản giảm, kéo theo sức cạnh tranh của ngành thủy sản giảm.

PV: Thứ trưởng cho biết ngành thủy sản có những chính sách và hỗ trợ như thế nào để xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh khi đây là vấn đề rất quan trọng nhưng lại đang gặp khó khăn do tốn nhiều kinh phí để đầu tư?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta biết xây dựng những vùng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cần phải có vùng hạt nhân, vùng lân cận và vùng cách ly. Để làm được điều này, trước hết, chúng ta cần tập trung vào những doanh nghiệp lớn. Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với Tập đoàn Việt Úc đã triển khai và duy trì tốt vùng an toàn sinh học. Và với vùng an toàn sinh học chính là cơ sở để đáp ứng theo yêu cầu của các thị trường. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, đáp ứng được việc truy xuất và có vùng an toàn dịch bệnh thì chúng ta mới có điều kiện tốt để xuất khẩu.

Với hoạt động của các doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng an toàn dịch bệnh sẽ tạo ra sức lan tỏa ra tới các vùng lân cận, đến các trang trại, các hộ chăn nuôi. Và khi họ thấy rằng hiệu quả và giá trị mang lại từ việc xây dựng vùng an toàn sinh học họ sẽ làm theo.

Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng chúng ta có rất nhiều tiềm năng. Nông sản Việt Nam hiện đã đi tới 196 thị trường trên thế giới và thị trường sẽ quyết định lại quy trình sản xuất. Ví dụ, xuất khẩu sang thị trường châu Âu, với ưu đãi giảm thuế, giá tăng, hiệu quả cao như vậy nhưng cũng đòi hỏi những yêu cầu nhất định, thì từ đây, chắc chắn các doanh nghiệp, các trang trại, hộ gia đình sẽ triển khai thực hiện để từ đó có nhiều hơn nữa những cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được xây dựng.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!./.

 
BT (ghi)