Tiếp tục theo dõi và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9, ngay trong đêm 27, rạng sáng 28/10, tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo tiền phương tiếp tục họp khẩn để đưa ra các biện pháp ứng phó bão số 9 khi cơn bão này đang  vào sát đất liền.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão và tìm kiếm các tàu mất tích qua điện thoại.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương đêm 27 rạng sáng 28/10 để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 9. Ảnh: Đình Tăng 

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9 tiếp tục yêu cầu “Đảm bảo an toàn cho người dân là yêu cầu lớn và ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là người dân ở các điểm sơ tán. Chính quyền các địa phương và các lực lượng cần chuẩn bị lương thực, nước uống cho người dân ít nhất 1 ngày”.

“Tôi đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống bão số 9, đặc biệt là quyết tâm di dời hàng trăm nghìn người dân ra khỏi những địa điểm nguy hiểm. Từ đồng chí Bí thư, Chủ tịch đến cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, đồng thời có sự hỗ trợ của quân đội, công an và các lực lượng khác. Cùng với chính quyền, rất nhiều người dân các khu vực nguy hiểm đã tham gia sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Đây có thể nói là thành công lớn đầu tiên trước khi bão số 9 đổ bộ”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, bão số 9 là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm qua tại miền Trung. Xác định tính nguy hiểm từ cơn bão này, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức Ban chỉ đạo tiền phương tại đây để chỉ đạo công tác phòng, chống bão; phải quyết liệt và chu đáo để giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại do bão số 9 gây ra.

“Tôi yêu cầu các địa phương và các bộ, ngành khẩn trương tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ các địa điểm nguy hiểm, tránh không để bất kỳ trường hợp người dân nào còn lưu lại ở những nơi nguy hiểm hay tự ý quay trở về, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế để đưa người dân đến nơi an toàn. Các địa phương, lực lượng phải giữ liên lạc với các tàu cá vẫn còn ngoài biển. Phải bảo vệ tuyệt đối an toàn hồ đập, vận hành hồ chứa, xả nước an toàn”- Phó Thủ tướng chỉ đạo, đồng thời lưu ý: Khoảng thời gian từ 2h sáng ngày đến 8h sáng trước khi bão đổ bộ là khoảng thời gian vàng để các địa phương tập trung, dồn toàn lực lượng thực hiện các phương án phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Phó Thủ tướng trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 9 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ảnh: Đình Tăng 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo công tác thông tin, cảnh báo cho khu vực miền núi Tây Nguyên, thậm chí cả Bắc Trung Bộ về nguy cơ mưa lớn, sạt lở, lũ ống, lũ quét do hoàn lưu sau bão gây ra.

Trước đó, thông tin từ Ban Chỉ đạo tiền phương tại cuộc họp cho biết, đến tối 27/10, lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán hơn 374 nghìn người dân thuộc 6 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tới nơi an toàn. Đồng thời, cũng đã tổ chức gia cố, sơ tán người trên 188.265 lồng bè vào nơi an toàn trước khi bão đến.

Về tàu thuyền, tổng hợp từ báo cáo của các địa phương và các ngành liên quan, tính đến 22h ngày 27/10, hầu hết tàu thuyền đã thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú bão an toàn. Riêng tỉnh Bình Định còn 92 tàu với 668 lao động đang di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về thông tin 2 tàu bị chìm ở xa bờ vùng biển Bình Định. Trong đó, tàu BĐ96388-TS/12 LĐ bị chìm lúc 13h30 ngày 27/10 tại khu vực cách bờ Phú Yên 330 km về phía Đông; tàu BĐ97469-TS/14 lao động bị chìm cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km. Hiện các lực lượng vẫn chưa thể tiếp cận được được 02 tàu chìm này. Các lực lượng đang thông báo cho các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tiền phương yêu cầu khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 2 tàu bị chìm của Bình Định; kiên quyết kêu gọi và giữ liên lạc với 92 tàu của Bình Định, hướng dẫn để các tàu khẩn trương ra khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí sẵn sàng phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão (00 giờ ngày 28/10): Khoảng 13,9oN; 111,5oE, cách Đà Nẵng khoảng 430km, cách Quảng Nam 365 km, cách Quảng Ngãi 325 km, cách Phú Yên 260 km. Sức gió mạnh nhất: cấp 13 (135-150km/h), giật cấp 16.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

Do ảnh hưởng của bão số 9, lúc 00h tại đảo Lý Sơn đã đo được gió mạnh 12m/s (cấp 6) giật 19m/s (cấp 8).

Theo Hiện các hồ chứa trong 10 liên hồ chứa đã đưa về mực nước trước lũ theo quy định, riêng hồ Đắk Ring trên lưu vực sông Trà Khúc – Quảng Ngãi hiện lớn hơn mực nước cao nhất trước lũ là 0,57m (đang xả với lưu lượng 160m3/s, dự kiến đến chiều 28/10 sẽ đưa về mực nước quy định)./.

 
Tin, ảnh: Đình Tăng