Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” - Một nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên giáo hiện nay 

Sau sự kiện Liên Xô tan rã, mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu sụp đổ, Đảng ta đã sáng suốt đề ra đường lối đổi mới. Hơn 30 năm qua, sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng ta lãnh đạo đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đời sống, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa xã hội của đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước… Một trong những khó khăn, thách thức, có thể nói là nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức” và yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biều hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thuật ngữ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  bắt nguồn từ những đánh giá về tình hình chính trị, tư tưởng của Đảng ta từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ (khóa VII, từ ngày 20- 25/01/1994) Đảng ta đã nhận định về 4 nguy cơ, đó là: (1) Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; (2) Nguy cơ chệnh hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; (4) Âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Nhận định này đã được các Đại hội VIII, IX, X, XI, XII của Đảng tiếp tục khẳng định lại với tinh thần đánh giá những nguy cơ này chẳng những vẫn đang tồn tại mà có phần nghiêm trọng hơn, nhất là đánh giá của Đại hội XII.

Có nhiều ý kiến cho rằng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có quan hệ chặt chẽ với “diễn biến hòa bình”, nhưng đó không phải là đồng nhất. “Diễn biến hòa bình” chủ yếu tác động về tư tưởng, chính trị từ bên ngoài. Trong khi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  là sự vận động, thay đổi, suy thoái về tư tưởng chính trị từ bên trong. Như vậy có thể hiểu, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (về tư tưởng chính trị) là một quá trình suy thoái nhiều mặt của một bộ phận cán bộ, đảng viên và công chức nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; đi từ khẳng định Chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa chuyển sang sùng bái, tin theo hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là chế độ chính trị - đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thể chế tam quyền phân lập; kinh tế thị trường tự do và xã hội dân sự kiểu phương Tây do Mỹ chi phối.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: Hiện nay đã có “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Trong khi đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữ Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng”. Nghị quyết nhấn mạnh: Phòng chống “tự diễn biến”, “tực chuyển hóa” là vấn đề sống còn của Đảng ta. Ngày 30/10/2016 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 04 NQ/TW về Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong nghị quyết này Trung ương cũng đã nêu ra, chỉ rõ 27 biểu hiện của “tự diến biến”, “tự chuyển hóa”.

Vì vậy, có thể nói nhiệm vụ phòng chống “tự diến biến”, “tự chuyển hóa” đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Công tác tuyên giáo, công tác tuyên truyền, nghiên cứu, giáo dục tư tưởng, lý luận của Đảng cần và góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  về tư tưởng, chính trị của Đảng.

Công tác Tuyên giáo đóng góp và công tác phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên những phương diện như sau:

- Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức lý luận, quyết tâm chính trị, giữ vững niềm tin trong cuộc đấu tranh, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác Tuyên giáo cần làm rõ trong thời đại ngày nay, phát động một cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài với quy mô lớn đối với một quốc gia là khó có thể thực hiện được. Các thế lực thù địch chọn chiến lược bất bạo động tác động vào đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị từ vững tin vào Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào con đường XHCN sang con đường TBCN là giải pháp khôn ngoan nhất, rẻ nhất, hiệu quả nhất. Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng Sản Liên Xô đã cho thấy rõ những nguy cơ đến từ sự suy thoái của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

- Thứ hai, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới. Công cuộc đổi mới theo con đường XHCN ở nước ta là một sự nghiệp mang tính cách mạng, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Hơn nữa, công cuộc đổi mới đã và đang diễn ra trong những điều kiện thời đại có những thay đổi lớn, đó là toàn cầu hóa kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Muốn đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiến lên, chúng ta chỉ có thể vận dụng và phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng một hệ thống lý luận, xây dựng mô hình XHCN đặc thù Việt Nam, thích ứng với các yếu tố của thời đại. Chỉ có trên cơ sở làm rõ mô hình xã hội XHCN và con đường đi lên CNXH, giải quyết được những khúc mắc trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, chúng ta mới có thể giải quyết tận gốc tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên. Hơn 30 mươi năm đổi mới, cho đến nay nhiều vấn đề lý luận nảy sinh từ vấn đề thực tiễn vẫn chưa được giải đáp. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những bài học rút ra từ sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô, Đông Âu.

- Đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” nhằm góp phần quan trọng vào đẩy lùi suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, phòng chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Thực tế cho thấy, có không ít cán bộ, đảng viên nói về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rất hay nhưng là theo lại dở. Để khắc phục tình trạng này cần đi sâu vào rèn luyện nhân cách con người, đặc biệt là triết lý sống. Triết lý sống là giá trị nội tại của con người, đó là quan niệm về cống hiến, hưởng thụ, về nhu cầu vật chất và tinh thần, đặc biệt mục tiêu và lý tưởng... xem đó là mục đích cuối cùng của đời người. Triết lý sống là giá trị nội tại, có chức năng tự điều chỉnh đời sống tư tưởng, tình cảm và hành động của con người.

- Phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; phòng, chống “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” Trong điều kiện ngày nay, báo chí không chỉ phản ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy phát hiện những mặt tiêu cực trong xã hội, những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên, công chức. Báo chí là nguồn thông tin đáng tin cậy để nhân dân đánh giá, giám sát hoạt động đối với cơ quan của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, là lực lượng xung kích trong chống “diễn biến hòa bình”, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoa”. Bên cạnh đó, báo chí có thể giữ vai trò giám sát xã hội và phản biện xã hội, do đó báo chí còn là phương tiện hữu hiệu phát hiện tình trạng suy thoái về nhiều mặt, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  trong Đảng và xã hội ta là cuộc đấu tranh khó khăn, phức tạp và lâu dài. Cuộc đấu tranh này diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế như một quy luật lịch sử tự nhiên mà chúng ta phải thích ứng. Cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  một mặt phải đóng góp quan trọng vào bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội ở nước ta; một mặt phải góp phần thúc đẩy sự phát triển của chế độ chính trị XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xã hội dân chủ, cởi mở, có kỷ luật, kỷ cương, theo hướng bình đẳng, dân chủ, công bằng, văn minh. Thu Thủy

 

 

1905 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 930
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 930
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87022674