Tại hội nghị công bố kết quả khảo sát sáng kiến dân chấm điểm M.Score lĩnh vực y tế, ông Lê Đặng Trung, Giám đốc công ty PTTGT TRA cho biết, việc khảo sát bằng phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại đã thực hiện hơn 9.300, trong đó có hơn 6.400 cuộc hoàn thành đầy đủ thông tin.
Ngoài ra, việc chấm điểm còn thực hiện qua máy tính bảng với hơn 33.000 lượt.
Kết quả, gần 50% người dân trả lời hài lòng và rất hài lòng với BV Đa khoa tỉnh, khoảng 25% người dân rất không hài lòng và không hài lòng.
Những điểm người dân hài lòng nhiều là thủ tục dễ hiểu, hướng dẫn rõ ràng; BV sạch sẽ, không có mùi hôi; bác sĩ giải thích rõ tình trạng bệnh…
Bênh cạnh đó, người dân cũng đưa ra nhiều lý do khiến họ không hài lòng như nhân viên vòi vĩnh, gợi ý đưa tiền; giá cả không tương xứng với chất lượng điều trị.
Ở tuyến huyện, hơn 50% người dân hài lòng, không hài lòng khoảng 30%.
Không ơn nghĩa thì khó lắm
Đại diện Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa đề cập đến chỉ số vòi vĩnh, chi tiền cho cán bộ y tế khi khám bệnh và cho rằng, đây là loại thông tin “dân nói có, cán bộ nói không”.
“Với kết quả khảo sát, việc chi tiền hiện nay có bằng chứng, ít nhất là người dân nói qua điện thoại, có con người cụ thể”, ông nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ Nguyễn Quảng thì khẳng định: “Ở đâu xa không nói nhưng riêng ngành y tế Quảng Trị kiêng kị với phong bì và đã làm nhiều giải pháp. Nhưng phong bì có dấu hiệu vòi vĩnh mới đáng tội, còn phong bì bệnh nhân lành bệnh, thấy hài lòng, khi về có gửi lại cho khoa mua chút nước uống nếu đánh giá vào trong này thì không có giá trị”.
Ông đề nghị trong phần khảo sát cần bổ sung vào nội dung này 1 câu là phong bì tự nguyện hay cán bộ y tế vòi vĩnh và đề nghị có phản hồi tức thì để xử lý ngay.
|
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng |
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Dũng cho rằng, nếu khám bệnh chu đáo, trước khi về bệnh nhân cho bác sỹ hoặc khoa họ nằm điều trị để cảm ơn thì đó là điều rất tốt.
“Ở Việt Nam không ơn nghĩa thì khó lắm, còn khi khám cứ nhiệt tình không có vấn đề gì. Đó là những vấn đề thuộc về văn hóa”, ông Dũng lưu ý, gây phiền hà để được phong bì mới đáng nói.
Theo ông, do nhân viên y tế áp lực công việc, người dân cạnh tranh nhau về thời gian khám trước, sau nên nảy sinh tiêu cực cũng có.
Lương khởi điểm 8 triệu bác sĩ không về
Bên cạnh đó, đại diện Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa đặt vấn đề ngược lại từ phía bệnh nhân. Có nhiều trường hợp, người dân phản ứng thái quá gây áp lực, cán bộ y tế chỉ biết khóc.
Ông cũng cám cảnh khi nhìn lại cơ sở vật chất của tuyến tỉnh thì sáng láng như khách sạn còn tuyến huyện mốc meo, điện chập chỗ này, chỗ khác.
“Như vậy làm sao mà dân hài lòng được. Chúng tôi nhiều lần nói, tuyến xã thua huyện, huyện thua tỉnh, tỉnh thua TƯ. Bệnh nhân đi TƯ từ sáng chờ đến tối vẫn chờ được nhưng đi tuyến huyện từ 8h chờ đến 10 rưỡi người nào cũng đưa điện thoại dọa: 'Không giải quyết tôi đưa lên mạng'. Nhân viên y tế phải đi năn nỉ”, ông nêu thực tế.
Còn ông Nguyễn Quảng cũng cho biết dù cơ quan thuê công ty làm vệ sinh, cùng phong trào xanh sạch đẹp nhưng mức độ hài lòng của người dân không cao.
“Bộ trưởng Y tế nói rồi “nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc bẩn”. Thực tế giám đốc cũng chấp nhận bẩn. Bởi vì cơ sở vật chất như thế thì giải pháp chỉ ở một mức độ. Chúng tôi 30 phút cho kiểm tra nhà vệ sinh 1 lần nhưng tần suất sử dụng như hiện nay với cơ sở hạ tầng như thế thì sự không hài lòng của người dân là hiển nhiên”, ông phân tích.
|
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ Nguyễn Quảng |
Ngoài ra ông Quảng cũng nêu thực tế nguồn nhân lực y tế quá yếu nhưng luôn chịu nhiều áp lực, giờ thêm áp lực dân luôn chấm mình. Trong khi chính sách thu hút nhân lực lại cắt rồi, đào tạo thì người ta không về, cán bộ tại chỗ ngày càng ít, có xu hướng nhiều người dứt áo ra đi.
Đại diện Trung tâm y tế huyện Đakrông cũng đồng tình với việc làm thế nào thu hút nhân tài. Nhiều trường hợp bác sĩ tìm hiểu về cơ sở vật chất, lương, chế độ đãi ngộ xong bỏ đi hết.
So sánh các bệnh viện ở miền nam, vị này cho biết, bác sỹ được trả 200 triệu, có cả chính sách nhà, đất để mời về, bác sĩ mới ra trường lương 20-30 triệu, còn ở Quảng Trị lương khởi điểm chỉ 8 triệu nên bác sĩ không về.
“Nếu như vậy đến khi chúng tôi về hưu không có bác sĩ làm việc”, ông lo lắng và đề nghị phải đào tạo từ đội ngũ y sỹ 5, 7 năm nữa để có đội ngũ bác sĩ kế cận.
Hầu hết các ý kiến đều nhìn nhận M.SCore là một kênh thông tin quan trọng và mong muốn tiếp tục duy trì dự án này.
“Chúng tôi luôn mong muốn người dân ‘chấm điểm’ cho sự phục vụ của chúng tôi”, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ nói. Còn Phó chủ tịch HĐND tỉnh thì chia sẻ: "Tôi rất sợ dự án này kết thúc. Vì vậy phải làm sao cho sáng kiến này được mở rộng và tiếp tục duy trì”.
Thu Hằng
Bà Nguyễn Thu Hương, chuyên gia cao cấp của Oxfam cho hay, cần mở rộng dân chấm điểm qua lĩnh vực y tế bởi đây là lĩnh vực thiết yếu, cơ quan cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý cũng như cán bộ y tế rất cần lắng nghe ý kiến của người dân để có điều chỉnh phù hợp, nâng cao chất lượng.
Hơn nữa, đây cũng là nhu cầu của địa phương sau khi triển khai chấm điểm dịch vụ hành chính công đạt nhiều kết quả.
"Với sự cam kết và mong mỏi của địa phương, chúng tôi nhất trí hỗ trợ tỉnh mở rộng việc dân chấm điểm sang lĩnh vực y tế", bà Hương nói.
Bà cũng báo tin vui, vừa rồi Oxfam hợp tác với VPCP đưa ra nghị định về văn phòng 1 cửa và 1 cửa liên thông. Trong đó có nói đến việc lấy ý kiến phản hồi của người dân về dịch vụ hành chính công.
"Từ đó thấy được thành công và ý nghĩa của ý kiến phản hồi của người dân là rất quan trọng và là kênh thông tin quý báu cho các cơ quan nhà nước điều chỉnh cách thức phục vụ và điều chỉnh chính sách hết sức hiệu quả", bà Hương nhấn mạnh.
Hiện ngoài Quảng Bình, Quảng Trị, Oxfam còn phối hợp với Trung tâm sáng kiến Việt Nam và Bộ Y tế triển khai dân chấm điểm 29 bệnh viện vào năm 2017, 2018 là 60 bệnh viện trên cả nước.
|