Phối hợp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh 

(ĐCSVN) - Chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để hướng đến một nền giáo dục trong đó học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết. Thế nhưng, hiện nay bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại.

Đó là chia sẻ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Đại biểu cho rằng, chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để hướng đến một nền giáo dục trong đó học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết. Thế nhưng, hiện nay bạo lực học đường có những biểu hiện đáng lo ngại. Những sự việc đau lòng của ngành giáo dục trong thời gian qua phần nào đã nói lên môi trường văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức khiến cho các quan hệ rạn nứt và đỗ vỡ, làm tổn thương nhiều giá trị vốn có nền tảng vững chắc; trong đó có nguyên nhân từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh không xem những trường hợp này là riêng lẻ của các địa phương mà là vấn đề lớn của giáo dục và của toàn xã hội để chúng ta cùng nhìn nhận và có giải pháp phối hợp và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: HM

Phân tích nguyên nhân, đại biểu Quyên Thanh nhấn mạnh: Trước khi nói đến trách nhiệm của các cá nhân trong mối quan hệ học đường thấy những sự việc vừa qua có trách nhiệm không nhỏ của xã hội. Bởi có những hành vi vượt tầm kiểm soát của nhà trường và của ngành giáo dục. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây là trách nhiệm người đứng đầu nhà trường trong việc xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung, lòng vị tha, sự thẳng thắn, trung thực và trách nhiệm, thông qua tất cả các hoạt động diễn ra trong nhà trường, từ các bài học chính khóa đến các hoạt động ngoại khóa để rèn kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, nhà trường hiện nay gặp không ít khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ này.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất một số giải pháp sau: Một là, đề nghị Bộ GD&ĐT đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý nhất là hiệu trưởng năng lực tổ chức nhà trường. Cán bộ quản lý phải có thế giới quan khoa học để hiểu rõ, nắm vững mục tiêu giáo dục; có khả năng cụ thể hóa thành các mục tiêu và những giá trị mà nhà trường hướng đến; có kỹ năng xây dựng và tổ chức văn hóa học đường với các mối quan hệ hài hòa.

Hai là, các trường sư phạm tăng cường đưa nội dung bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên vào nội dung bồi dưỡng thường xuyên nhất là năng lực giao tiếp sư phạm và năng lực cảm hóa để giúp giáo viên nhận diện được cảm xúc học sinh, điều chỉnh quan hệ giao tiếp, ứng xử của các em hàng ngày, hàng giờ.

Ba là, cần đẩy mạnh việc tổ chức những chương trình ngoại khóa thiết thực nhất là các hoạt động đối thoại với học sinh để lắng nghe những chia sẻ, quan điểm, cách nhìn của học sinh về những vấn đề được dư luận quan tâm. Đây là một hoạt động bổ ích để xây dựng các mối quan hệ và tạo sự đồng thuận giữa các thành viên trong nhà trường để cùng hướng đến các giá trị văn hóa mà nhà trường xây dựng.

Thứ tư là, cần quan tâm xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình. Có lẽ trong mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình lâu nay chúng ta đòi hỏi nhiều về trách nhiệm của phụ huynh mà quên rằng phụ huynh cần phải hiểu về mục tiêu của nhà trường, phải có những thông tin minh bạch để tạo được niềm tin. Chính điều đó đã hình thành những phản ứng ngầm thay vì cùng hướng đến các giá trị chung mà trong đó con em của phụ huynh được thừa hưởng.

Thứ năm là, văn hóa học đường phải được xây dựng trong thời gian dài và có nền tảng. Những quyết định chưa thỏa đáng sẽ kéo theo các chuẩn mực, các giá trị thay đổi, văn hóa học đường sẽ thay đổi. Vì vậy, cách xử lý vấn đề với những sự việc đã qua cần được xem xét từ quan điểm lấy học sinh làm trung tâm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các em. Song song đó cần đặc biệt xem trọng đạo đức, cách ứng xử của học sinh với thầy cô giáo; với bạn bè để có những quy định phù hợp, hướng đến xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, chuẩn mực trước tiên là 3 mối quan hệ: học sinh với thầy cô giáo và với bạn bè.

Các cấp quản lý cũng cần quan tâm công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình để kịp thời điều chỉnh các quan hệ trong nhà trường nhằm ngăn ngừa những việc đáng tiếc xảy ra.

Giáo dục tư tưởng đạo đức, lối ứng xử có văn hoá cho thế hệ trẻ là vấn đề cần được quan tâm giải quyết trước mắt và phải có chiến lược lâu dài của ngành Giáo dục bên cạnh sự đồng hành gia đình, xã hội./.

 
Mỹ Anh
240 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 619
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 619
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76776378