Tiếp tục nắm bắt tiến độ và vướng mắc của các địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với UBND TP. Hải Phòng vào sáng 24/4.
Luật Đầu tư công ban hành năm 2014 đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, nhưng tới nay phát sinh bất cập về pháp lý, làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn. Năm 2016, cả nước giải ngân 91,3% kế hoạch vốn giao, năm 2017 tỷ lệ này thấp hơn khi đạt 85,6%. Trong quý I/2018, cả nước mới giải ngân được 9,4% kế hoạch vốn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, giải ngân vốn đầu tư công chậm lại do từ năm 2017 các bộ, địa phương bắt đầu xây mới nhiều công trình với các thủ tục đầu tư phức tạp. Ngoài Luật Đầu tư công thì còn 11 luật khác (như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng,...), 100 nghị định của Chính phủ và hàng trăm thông tư quy định các thủ tục, phân cấp-phân quyền trong đầu tư, xây dựng.
Đơn cử, Luật Đầu tư cho phép giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực hiện dự án, nhưng Luật Ngân sách Nhà nước lại quy định giải ngân theo dự toán; thẩm quyền điều chỉnh vốn giữa các dự án (không làm tăng tổng mức đầu tư) với các nguyên tắc bắt buộc, kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục giải ngân,...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, khâu tổ chức thực hiện cũng “có vấn đề” trong giao vốn (vốn trung hạn, vốn hàng năm) và việc giải ngân. “Cùng một hành lang pháp lý mà có những bộ, địa phương thực hiện giao và giải ngân hiệu quả, nhưng có nơi lại làm chậm”, Phó Thủ tướng nói.
“Quốc hội, Chính phủ sốt ruột lắm. Một đồng đầu tư công là vốn mồi mà nay giải ngân chậm thì các nguồn vốn khác cũng chậm theo. Vốn ra chậm ngày nào thì chậm tăng trưởng ngày đó. Một đồng giải ngân trong quý I sẽ tác động tới kinh tế, xã hội của các quý sau. Giải ngân chậm cũng sẽ làm ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô khi Nhà nước huy động được tiền từ trái phiếu, ODA mà lại không thể tiêu được”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Đối với Hải Phòng, là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ với các loại hình đầu tư của nhà nước, tư nhân, hợp tác công-tư, Phó Thủ tướng cho rằng, việc Hải Phòng thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ tác động tích cực tới tiến độ giải ngân và tốc độ phát triển kinh tế của cả nước.
Tổng số vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Hải Phòng là hơn 66.000 tỷ đồng (gồm nguồn từ ngân sách Trung ương là hơn 7.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là hơn 58.500 tỷ đồng). Trong các năm từ 2016 tới hết năm 2018, Hải Phòng đã giao vốn khoảng 41% kế hoạch 5 năm.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, năm 2016, Thành phố giải ngân 100% vốn kế hoạch giao, năm 2017 giải ngân được khoảng 98% kế hoạch. Tuy nhiên, trong quý I/2018, tiến độ giải ngân của Hải Phòng rất chậm.
Trong cơ cấu nguồn vốn, thì vốn hỗ trợ có mục tiêu chưa giải ngân được đồng nào. 800 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án đường ven biển chưa được giao. Các nguồn vốn của địa phương mới giải ngân được hơn 609 tỷ đồng (bằng 6,5% kế hoạch). Vốn ODA giải ngân nhanh hơn, đạt 19,92% kế hoạch giao. Tính chung, trong quý I, Hải Phòng mới giải ngân được 1,4% kế hoạch (không tính vốn năm 2017 chuyển sang).
Hải Phòng đang gặp khó khi số vốn ODA cấp phát còn thiếu cho 4 dự án so với nhu cầu để kết thúc Hiệp định tài trợ vốn đã ký (có 3 dự án kết thúc năm 2018), cần phải bổ sung cho kế hoạch trung hạn hơn 2.404 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng thiếu vốn (hơn 12.475 tỷ đồng) cho 70 dự án đã bố trí vốn ngân sách Trung ương từ năm 2017 trở về trước. Để khắc phục, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết Thành phố phải rà soát, cắt giảm quy mô đầu tư, điều chỉnh từ vốn Trung ương sang vốn địa phương hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư, nhưng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành cho biết, 12 dự án trọng điểm của địa phương sẽ khởi công trong tháng 5, nên hết quý II, Thành phố sẽ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn giao của năm và sẽ hoàn thành mục tiêu giải ngân của cả năm 2018.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiểm tra tiến độ xây dựng, giải ngân dự án đường Võ Nguyên Giáp sử dụng vốn vay của WB. Ảnh: VGP/Thành Chung
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Hải Phòng quyết liệt chuẩn bị mặt bằng, hồ sơ dự án, phối hợp tốt giữa các sở, ngành để tăng tốc mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 5 và 6 tới.
Với việc giao 800 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để làm đường ven biển của Hải Phòng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT sớm hoàn thiện kế hoạch báo cáo Thủ tướng quyết định. Đồng thời, trong tháng 5 tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 15 về hợp tác công-tư để Hải Phòng có thể huy động vốn tư nhân cho dự án đường ven biển này.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc sửa đổi các quy định bất cập về đầu tư công, đặc biệt là Luật Đầu tư công. Chính phủ sẽ nỗ lực chuẩn bị hồ sơ dự án Luật sửa đổi này để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Bộ KH&ĐT tính toán điều chỉnh bổ sung nguồn vốn ODA cho các dự án đang thiếu vốn của Hải Phòng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; xem xét việc nâng mức trần sử dụng vốn vay nước ngoài của Hải Phòng.
Về sửa đổi khung khổ pháp lý đầu tư công, Phó Thủ tướng đề nghị Hải Phòng báo cáo các vướng mắc về pháp luật, công tác phối hợp-thực thi, gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung.
Thành Chung