Báo cáo với Phó Thủ tướng, PGS. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán trên 17.000 bệnh nhân SXH, riêng trong 3 ngày từ 18-20/8, số ca mắc mới là 1.422 ca. Tỷ lệ người mắc SXH từ cộng đồng là 98,2%, trong đó 88% ở Hà Nội. Hiện tại. số bệnh nhân SXH đang điều trị nội trú tại hai cơ sở của bệnh viện là 351 người, trong đó tại cơ sở 1 là 285 người.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi bệnh nhân cao tuổi mắc SXH đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh:ĐT
Số bệnh nhân nhập viện điều trị chủ yếu là ở Hà Nội với 181 ca, sau đó là các tỉnh: Nam Định, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... Tại Hà Nội, các quận ghi nhận nhiều ca mắc SXH nhất là: Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng... Độ tuổi mắc nhiều nhất là từ 15- 30 tuổi, chiếm 41,8% số người mắc SXH điều trị tại bệnh viện.
Trước tình hình bệnh nhân SXH đến khám và điều trị nhiều, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch năm 2017; thường trực 3 đội cấp cứu phòng chống dịch ngoại viện sẵn sàng tham gia công tác phòng chống dịch, hỗ trợ tuyến dưới. Đồng thời, bệnh viện đã điều động nhân lực, điều chỉnh giờ làm để đáp ứng điều trị, thu dung bệnh nhân, phòng chống dịch SXH; triển khai thu dung bệnh nhân ở cả 2 cơ sở của bệnh viện.
Ngoài ra, bệnh viện đã tổ chức các lớp đào tạo cập nhật chẩn đoán, điều trị SXH cho bác sỹ, điều dưỡng và cho các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, các bệnh viện đa khoa tỉnh khu vực phía Bắc; triển khai thêm phòng khám chuyên khoa SXH, phòng tái khám SXH, khu vực thu phí cho người bệnh SXH, phòng theo dõi và điều trị ban ngày; phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh môi trường bệnh viện...
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính , khó khăn lớn nhất của bệnh viện hiện nay là đang thiếu máy thở, máy lọc máu cho những ca bệnh nặng.
Có mặt trong đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã làm việc với Bộ Tài chính để chuyển kinh phí ngay cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để mua máy thở, máy lọc máu cho bệnh nhân. Cùng với đó, thuốc điều trị dùng cho bệnh nhân SXH hiện được bảo đảm đầy đủ cơ số, cung ứng tối ưu cho các bệnh viện.
Về tình hình dịch SXH ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện Hà Nội ghi nhận 18.391 ca mắc, trở thành địa phương có số bệnh nhân SXH nhiều nhất cả nước. Điểm khác biệt là dịch tập trung nhiều ở một số quận nội thành. Vì vậy, Bộ Y tế đã liên tục có các cuộc họp với lãnh đạo TP Hà Nội triển khai các biện pháp dập dịch quyết liệt, xử lý triệt để với sự hỗ trợ về phương tiện và cả nhân lực của các địa phương lân cận.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau nhiều nỗ lực phòng, chống dịch của TP Hà Nội, các cơ sở y tế và cộng đồng, dịch SXH ở Hà Nội đã có dấu hiệu đi ngang-chững lại nhưng không thể vì vậy mà có “tâm lý thở phào”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi thăm, làm việc với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: ĐT
Gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ đã nỗ lực ngày, đêm khám, điều trị cho bệnh nhân SXH tăng đột biến trong nhiều ngày qua, Phó Thủ tướng mong muốn các bệnh viện quyết tâm thực hiện nghiêm túc các phác đồ điều trị, dự phòng, tư vấn cho người dân. Đặc biệt là một bệnh viện đầu ngành, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã có rất nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn trong phân loại, điều trị bệnh nhân SXH để phổ biến, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các bệnh viện tuyến dưới từ điều trị trong ngày đến thuyết phục bệnh nhân.
Cùng với đó, bên ngoài cộng đồng vẫn phải đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch, diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng để dập dịch triệt để, không để tư tưởng dịch “bình bình” rồi thì thở phào, dừng lại. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường truyền thông để người dân nắm vững các cách phòng, chống SXH./.
Đỗ Thoa