Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề về giáo dục, y tế 

(Chinhphu.vn) - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, chiều 28/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề về giáo dục, y tế. - Ảnh 1.

Theo Phó Thủ tướng, báo cáo của Chính phủ, phát biểu của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, tại phiên thảo luận, đã nêu rất rõ những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Phó Thủ tướng, báo cáo của Chính phủ, phát biểu của các đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ, tại phiên thảo luận, đã nêu rất rõ những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh phải vượt qua đại dịch COVID-19.

Hơn một năm trước, khi tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, Chính phủ đã có Nghị quyết 128/NQ-CP chuyển sang tâm thế mới, mạnh dạn, trên cơ sở khoa học, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Sau khi đã có vaccine phòng COVID-19, chúng ta đã rất khẩn trương triển khai nhiều giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đạt được những kết quả rất toàn diện, thể hiện qua tăng trưởng, các cân đối vĩ mô. Đặc biệt, như nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội, không chỉ y tế mà cả an sinh xã hội, giáo dục, nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốt đà phát triển và có những bước tiến bộ trong lĩnh vực này, liên tục xếp tốp đầu trên thế giới trong các chỉ số phục hồi sau dịch bệnh COVID-19.

Phó Thủ tướng cho biết, đến nay các nước trên thế giới chưa công bố hết dịch COVID-19 và Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, nhất là vaccine, chúng ta có tâm thế tự tin hơn, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng, lấy lại thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 260 triệu liều vaccine, là một trong những nước bao phủ mũi cơ bản, mũi tăng cường tốt nhất thế giới, chỉ đứng sau một vài nước có dân số dưới 20 triệu người. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trên thế giới. Việt Nam có dân số đứng thứ 15 trên thế giới, số người tử vong do COVID-19 đứng thứ 139, đây là những tổn thất nặng nề về con người.

Bên cạnh đó, không riêng Việt Nam mà cả những nước phát triển nhất trên thế giới cũng phải đối phó với những khó khăn bất cập của cả hệ thống về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, kinh tế tích tụ từ nhiều năm, có những việc đã được nhận diện rõ hơn, hoặc mới bộc lộ ra sau đại dịch.

Không chỉ là lạm phát, có những nước có hệ thống y tế phát triển, nhưng vẫn phải đối mặt với  tình trạng thiếu nhân lực y tế, nguy cơ sinh viên bỏ học, khẩu phần trong bữa ăn tại trường của học sinh bị cắt giảm… trong khi đó, Việt Nam vẫn đảm bảo đời sống cho người dân ở đô thị, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Trước khi làm rõ thêm một số vấn đề giáo dục, y tế được các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm tại nhiều kỳ họp, Phó Thủ tướng trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã luôn đồng hành, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, nhiều ý kiến trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết góp ý cho giáo dục, y tế và các lĩnh vực bảo đảm an sinh, xã hội. Đặc biệt là sự thấu hiểu sâu sắc của các đại biểu Quốc hội về những thách thức, chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành y tế và ngành giáo dục; chủ động nêu nhiều giải pháp, kiến nghị đã được 2 ngành nỗ lực thuyết phục mọi người.

Phó Thủ tướng cho hay, trước phiên thảo luận ngày 28/10 của Quốc hội, ông đã nhận được tâm sự của một giám đốc bệnh viện bày tỏ sự xúc động khi các đại biểu Quốc hội, nhân dân đã chia sẻ những khó khăn, vất vả của những người làm công tác chăm sóc sức khỏe. Đây là sự động viên rất quý giá cho ngành y tế lúc này, dù rằng nhiều vấn đề chưa giải quyết được ngay.

Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn tới các thầy giáo, thầy thuốc, dù còn rất nhiều khó khăn, vẫn đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người, vì sự nghiệp bảo vệ sự khỏe của người dân.

Dẫn số liệu về trình độ phát triển của các nước trên thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nếu tính về mức độ phát triển trên thế giới thì Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có 38 nước thành viên; về mức độ thu nhập thì thế giới có 58 quốc gia được xếp là thu nhập cao, 48 quốc gia là thu nhập trung bình cao, sau đó là các quốc gia thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam. Nhưng do tính ưu việt của chế độ, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự nỗ lực của cả hệ thống, nhất là 2 ngành y tế, giáo dục, nên lĩnh vực y tế, giáo dục của Việt Nam được đánh giá có mức phát triển và hiệu quả sử dụng nguồn lực cao hơn rõ rệt so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế.

Ví dụ, giáo dục phổ thông của Việt Nam đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu, giáo dục đại học đứng trong tốp 70, giáo dục nghề nghiệp khoảng thứ 90, nhiều chỉ số y tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá ở khoảng thứ 70.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh kỳ vọng vào giáo dục, y tế luôn có ở tất cả các nước trên thế giới và luôn rất căng thẳng, trong đó có 3 vấn đề tương đồng với Việt Nam.

Thứ nhất là làm sao có sự cân đối với khả năng bảo đảm của nền kinh tế và cả hệ thống giữa yêu cầu, kỳ vọng của người dân, yêu cầu về chuyên môn của những người làm giáo dục, y tế. Đặc biệt là y tế, giáo dục cũng như các lĩnh vực văn hóa, xã hội, trước mắt không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền. Thành tích của giáo dục, y tế phải nhiều năm mới thấy rõ, còn bất cập, hạn chế phải sau nhiều năm mới bộc lộ và mất nhiều năm để khắc phục.

Thứ hai là vấn đề bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục.

Thứ ba là cơ chế quản trị các cơ sở giáo dục, y tế công lập, đồng thời thúc đẩy các cơ sở tư nhân, bảo đảm sự bình đẳng tương đối giữa hai thành phần này.

Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế, giáo dục ở Việt Nam còn có thêm một số đặc trưng khác.

Thứ nhất là yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng, sự bình đẳng về tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục cao hơn nhiều so với các nước khác. Ý kiến đóng góp của người dân đối với 2 lĩnh vực này cũng nhiều hơn, trên cơ sở phát huy tinh thần làm chủ.

Thứ hai, hàng năm ngân sách Nhà nước vẫn phải dành khoảng 30% cho đầu tư hạ tầng, do đó, nguồn lực dành cho y tế, giáo dục không bằng các nước. Thu nhập của người dân còn thấp nên khả năng chi trả không được như người dân các nước phát triển, thu nhập trung bình cao.

Thứ ba, số lượng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất lớn. Trong khoảng 2 triệu biên chế hiện nay, có khoảng 1,15 triệu cán bộ, giáo viên và 250.000 cán bộ y tế. Trong khi, ngân sách không có khả năng chi trả mức lương cao như các nước.

Đây là những vấn đề khiến nhiều vấn đề giáo dục, y tế luôn ở trong tình trạng căng thẳng, chỉ có thể được giải quyết trong thời gian được tính bằng hàng chục năm như nhiều nước trên thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề về giáo dục, y tế. - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về biên chế, Phó Thủ tướng nêu thực tế: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về đào tạo giáo viên, chuẩn giáo viên và luôn muốn ở đâu có học sinh thì phải có giáo viên đủ các môn học với số lượng học sinh trong một lớp ít nhất có thể. Tuy nhiên, để có đủ giáo viên thì phải tăng biên chế, trong khi không phát triển được giáo dục ngoài công lập, thì ngân sách phải tăng lên trong khi đang rất khó khăn.

Để giải bài toán này, trước hết kinh tế phải phát triển nhanh hơn để có nguồn thu nhiều hơn, đồng thời phải tạo điều kiện cho y tế, giáo dục ngoài công lập phát triển thực chất như ưu đãi về đất đai khi xây dựng cơ sở y tế, giáo dục ngoài công lập. Đồng thời đẩy mạnh tự chủ đại học, có cơ chế để một số giáo viên ở đô thị không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước mà từ nguồn thu học phí của những đối tượng sẵn sàng chi trả.

Tương tự đối với y tế, Phó Thủ tướng cho biết, trình độ chuyên môn nhiều bác sĩ Việt Nam không thua kém đồng nghiệp các nước phát triển, nhưng tỉ lệ điều dưỡng viên/bác sĩ ở nước ta chưa đến 1,5, trong khi tỉ lệ trung bình trên thế giới là 3-4 điều dưỡng viên/1 bác sĩ, còn tại Nhật Bản là 9 điều dưỡng viên/1 bác sĩ. Vì vậy, để đảm bảo bằng mức trung bình của thế giới, số biên chế của ngành y tế phải tăng gấp đôi hiện nay.

Về vấn đề học phí, viện phí, Phó Thủ tướng cho biết các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao việc bảo đảm chất lượng giáo dục, y tế của Việt Nam so với những nước có cùng mức chi. "Nhưng chúng ta không thể nào đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt nhất thế giới trong khi chi ngân sách và thu nhập của người dân lại ở mức thấp trên thế giới", Phó Thủ tướng trao đổi.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng mệnh giá bảo hiểm y tế, ngoài phần đóng góp thêm của người dân thì ngân sách Nhà nước phải dành thêm. Bởi vì hiện nay, mệnh giá bảo hiểm y tế ở Việt Nam chỉ bằng 1/10 đến 1/30 mệnh giá ở các nước phát triển, trong khi thuốc, máy móc điều trị được yêu cầu phải như các nước phát triển.

Tương tự, đối với giáo dục, hiện nay các trường phổ thông được hưởng 60% học phí để chi cho chuyên môn. Vừa qua, Chính phủ đưa ra chủ trương không tăng phần đóng góp của người dân trong học phí, nhưng để các trường vận hành được thì ngân sách Nhà nước phải bù vào.

Đối với tự chủ trong trường học, bệnh viện, Phó Thủ tướng cho biết đây là vấn đề rất khó khăn từ nhiều năm nay. Qua hơn 30 năm thực hiện đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã giảm từ trên 10.000 đơn vị xuống dưới 1.000 và có thêm 700.000 doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Các đơn vị sự nghiệp (chủ yếu là trường học, bệnh viện), trong 2 năm qua, đã giảm về đầu mối nhưng tổng biên chế không giảm. Thời gian qua, cơ chế tự chủ trường học, bệnh viện được thiết kế theo hướng lấy tài chính làm tiêu chí đầu tiên, "nếu ngân sách Nhà nước còn lo thì không có tự chủ". Vấn đề đặt ra là cơ chế quản trị trong các đơn vị sự nghiệp phải thay đổi theo xu thế thế giới. Đó là, quản trị trường học, bệnh viện phải xuất phát từ nhu cầu chuyên môn là phát huy tính tự chủ, sáng tạo từ cơ sở, từ đó tự chủ về bộ máy, nhân sự, đầu tư, chi thường xuyên.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định các ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề tự chủ trong trường học, bệnh viện sẽ được các cơ quan chức năng tiếp thu, rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật để có sự đổi mới căn bản hơn. Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất lớn, trong đó có những bất cập đã được bộc lộ, nhận diện để giải quyết, nhưng cũng cần một thời gian dài để khắc phục.

Đình Nam

135 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 963
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 963
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87128424