|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Lê Sơn |
Đây là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Trị về tình hình KT-XH, an ninh quốc phòng, phòng chống buôn lậu, an toàn giao thông trên địa bàn, chiều ngày 20/1.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính, kết thúc năm 2018, tỉnh đã đạt và vượt 24/24 chỉ tiêu phát triển KT-XH chủ yếu đã đề ra. Tăng trưởng GDP cả 3 năm bình quân đạt trên 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng/người/năm (tăng 8% so với năm 2017), thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.677 tỷ đồng, tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến hết năm 2018 đạt 44%, tỷ lệ giảm nghèo bình quân 3 năm giảm 1,89%, người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%...
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo kết quả và ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành về tình hình KT-XH, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận và biểu dương kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Trị đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với nhiều chỉ tiêu có triển vọng hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức mà cả hệ thống chính trị và nhân dân phải đồng lòng, đoàn kết, tìm ra giải pháp căn cơ, quyết tâm vượt qua.
Theo Phó Thủ tướng, những kết quả phát triển KT-XH của tỉnh đạt được trong thời gian qua là tích cực, tiến bộ nhưng Quảng Trị vẫn còn là tỉnh nghèo, nhiều khó khăn, quy mô kinh tế nhỏ, thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 70% so với bình quân chung của cả nước; kinh tế tư nhân chưa phát triển; chưa cân đối được ngân sách, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; thiên tai thường xuyên xảy ra...
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng cho rằng, Quảng Trị cần tìm tòi, đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực sự hiệu qủa, phát huy cho được lợi thế, tiềm năng so sánh của mình với các địa phương khác để kêu gọi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có nguồn lực mạnh, nỗ lực cải cách hành chính, thường xuyên gặp gỡ và đối thoại với doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, thực hiện đổi mới sáng tạo, nhất là những ngành nghề mà tỉnh có lợi thế và tiềm năng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Cụ thể, nghiên cứu để có chính sách mới hấp dẫn, đúng quy định của pháp luật, thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị,...
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông thôn, vùng biên giới, vùng núi phía Tây của Tỉnh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực và trên thế giới, các đồng chí phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, khuyến khích ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.
“Quảng Trị tuy nghèo nhưng không thiếu tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội và con người. Quảng Trị có rừng, có biển, có nắng, có gió, có truyền thống cách mạng và người dân cần cù, thông minh và sáng tạo. Do đó, tỉnh cần có giải pháp đột phá để khai thác tiềm năng, lợi thế này để phát triển tỉnh nhà nhanh và bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
|
Ảnh VGP/Lê Sơn |
Theo đó, tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, cải cách hành chính thực sự thực chất và hiệu quả. “Đặc biệt, tỉnh cần có chính sách để thu hút đầu tư điện gió, điện mặt trời, tạo sinh kế cho người dân như trồng cây dưới lưới điện gió. Đồng thời phát triển kinh tế biển khi tỉnh có bờ biển dài, hấp dẫn du lịch biển và du lịch tâm linh kết hợp với du lịch lịch sử, bởi tỉnh có nhiều di tích nổi tiếng cần khai thác”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Đồng thời, Quảng Trị cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tìm tòi học hỏi những mô hình hay để thí điểm áp dụng như mô hình liên kết 6 nhà ở Tây Ninh…
Về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên, liên tục.
Các lực lượng chức năng chủ động nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn mới của đối tượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm tốt công tác phối hợp lực lượng, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới, đường mòn, lối mở… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Đồng thời, tỉnh phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân (nhất là đối với địa bàn biên giới, cửa khẩu), cộng đồng doanh nghiệp; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức không để đối tượng lợi dụng, mua chuộc; kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tỉnh Savannakhet và Saravane (Lào), góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Quảng Trị - Savannakhet và Saravane.
Về an ninh, trật tự an toàn xã hội, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tinh hình mới, đặc biệt là Chỉ thị 46 và Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh trật trong tình hình mới”; “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới và các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người….
Xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp phát sinh, tranh chấp khiếu kiện; giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, không để phát sinh điểm nóng; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, trong đó tập trung tổng kiểm tra, vận động thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán. Chủ động xây dựng phương án, tập trung phương tiện, lực lượng triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Lực lượng công an chủ động nắm chắc tình hình, có giải pháp đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm xâm hại trẻ em... Quản lý chặt chẽ đối tượng, địa bàn; làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ, tập trung giải quyết các mâu thuẫn ngay từ cơ sở không để phát sinh tội phạm.
Về an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ; chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trên toàn tỉnh ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2019; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn giao thông; đẩy mạnh công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới…
|
Ảnh VGP/Lê Sơn |
* Thăm và chúc Tết cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu trong năm qua của Cửa khẩu trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại ở khu vực biên giới. Đồng thời ghi nhận công tác cải cách, thực hiện cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu Lao Bảo.
Phó Thủ tướng đặc biệt biểu dương Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã phối hợp tốt với ban ngành chức năng của nước bạn Lào trong công tác phòng chống tội phạm, buôn bán ma tuý, chống buôn lậu, giữ gìn biên giới hữu nghị, đoàn kết, hòa bình và phát triển, xứng đáng là cửa khẩu quốc tế tiêu biểu trong toàn quốc.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực cũng tặng Đồn biên phòng Lao Bảo 200 triệu đồng do Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hỗ trợ để các chiến sĩ đón Tết đầm ấm, cùng nhân dân các dân tộc tiếp tục bảo đảm trật tự an toàn xã hội, biên giới của đất nước bình yên trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc./.
Lê Sơn