Chương trình do Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Quỹ Hòa bình Mỹ Lai tổ chức.
Chương trình được tổ chức với mục đích kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực chung tay hỗ trợ cho các nạn nhân dioxin và bom mìn trên toàn quốc.
Phát biểu tại buổi giao lưu, thay mặt Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương những nạn nhân chất độc da cam và nạn nhân bom mìn đã không chịu đầu hàng số phận, kiên trì vượt khó vươn lên, làm chủ số phận, hòa nhập cộng đồng; hoan nghênh các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực giúp đỡ cả vật chất và tinh thần để các nạn nhân có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù chiến tranh tại Việt Nam kết thúc đã lâu, nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Người dân Việt Nam vẫn phải gồng sức khắc phục hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh, với thương tích trên cơ thể những cựu binh và dân thường, bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hóa học, sự ly tán của nhiều gia đình, hay những thảm thực vật bị biến dạng, nhiều vùng đất bị nhiễm độc, bom mìn còn sót lại…
Hiện Việt Nam có khoảng 6,1 triệu ha đất (chiếm 18,82% diện tích) bị ô nhiễm bom mìn. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung. Nhiều khu vực bị phun rải chất chất độc da cam trong chiến tranh, trong đó có 3 điểm nóng là Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát với tổng khối lượng đất và trầm tích ô nhiễm khoảng 700.000 m3.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao lưu cùng các đại biểu biểu tại chương trình “Xuân là hy vọng”. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
|
Đặc biệt, cả nước có tới 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân gồm cả người già, phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, tồn lưu bom mìn cũng đã làm hơn 40.000 người chết, 60.000 người bị thương.
Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước xác định và coi công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, bảo vệ tính mạng và an toàn cho người dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bom mìn và chất độc hóa học phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hợp nhất, thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo nhằm phát huy vai trò, tránh nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học.
Hiện Việt Nam đã bước đầu hoàn thành điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc; tập trung khắc phục ô nhiễm bom, mìn, vật nổ tại một số khu vực trọng điểm; hoàn thành mục tiêu rà phá 30.000 đến 50.000 ha/năm. Lực lượng chức năng cũng đã xử lý bảo đảm an toàn 160.000 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng và đang tiếp tục xử lý đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chụp ảnh chung với gia đình anh Nguyễn Đức (một nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, được tách ra từ cặp song sinh Việt - Đức cách đây 30 năm). Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
|
Các cấp, các ngành cũng thực hiện có hiệu quả chính sách trợ cấp ưu đãi đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hỗ trợ thí điểm mô hình Trợ giúp sinh kế nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng…
Tuy nhiên, nguồn lực bảo đảm khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học còn hạn chế. Để công tác này được thực hiện tốt hơn nữa, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Quốc phòng, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương cần coi công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng, chống tai nạn bom mìn, phòng chống tác hại chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động tối đa nguồn lực thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học trong thời gian tới. Chăm lo, giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế, việc làm, cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân bom mìn và chất độc da cam/dioxin.
Thông qua chương trình, Phó Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cùng chung sức, trí tuệ và nguồn lực nhiều hơn nữa cho hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần xây dựng cuộc sống an toàn, bình yên cho nhân dân, phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Mạnh Hùng