Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm, làm việc tại Hà Lan, Ai-len và Anh 

(ĐCSVN) – Nhận lời mời của Chính phủ Hà Lan, Ai-len và Anh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ thăm, làm việc tại Hà Lan, đồng chủ trì Phiên họp lần thứ sáu Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan về Thích ứng biến đổi khí hậu và Quản lý nước từ ngày 18-20/4/2017; thăm, làm việc tại Ai-len từ 21-23/4/2017 và tại Anh từ 24-27/4/2017.

Hà-Lan là đối tác kinh tế thương mại đầu tư hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu

Hà-Lan là một trong những đối tác kinh tế thương mại đầu tư hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu. Trong hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước  (2010) và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (2014), quan hệ hai bên đã phát triển tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt và  ngày càng đi  chiều sâu. Hà Lan luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên. Hai bên đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp,  năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải.

Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhất là cấp cao và tiếp xúc bên lề các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực. Hai bên tích cực hợp tác và ủng hộ lẫn  nhau tại các cơ chế đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEM và SEAN- EU.

Về kinh tế, thương mại và đầu tư, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam  trong EU với kim ngạch thương mại hai chiều năm 216 đạt hơn 6,68 tỷ USD. Đầu tư của Hà Lan tại Việt Nam  đạt 7,61 tỷ USD và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Triển khai Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và Quản lý nước, hai bên đã tổ chức 5 phiên họp Ủy ban liên Chính phủ để trao đổi các vấn đề liên quan đến hợp tác khí hậu, tài nguyên và môi trường,  đặc biệt là Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long (triển khai từ năm 2013). Về Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, hai bên xác định các lĩnh vực hợp tác gồm trồng trọt, chăn nuôi, thú y, mô hình nông nghiệp thông minh, khoa học nông nghiệp…

Ai-len coi Việt Nam là thị trường ưu tiên trong ASEAN để thúc đẩy xuất khẩu

Chuyến thăm Ai-len của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng  diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Ai-len đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Tháng 11/2016, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Ai-len  Mai-cơn Hích-gin. Hai bên đã ký kết 16 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo, điện gió, hàng không, công nghệ thông tin - truyền thông.

Về kinh tế, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2016 đạt 1,14 tỷ USD. (tăng gấp 3 lần so với 2015). Ai-len coi Việt Nam là thị trường ưu tiên trong ASEAN để thúc đẩy xuất khẩu. Đầu tư của Ai-len vào Việt Nam tính đến tháng 2/2017 đạt 20,7 triệu USD. Hai nước đang tích cực triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào phát triển nông nghiệp hiện đại, thực phẩm hữu cơ và an toàn.

Về hợp tác phát triển, Việt Nam hiện là quốc gia châu Á duy nhất trong số 9 nước đối tác ưu tiên nhận viện trợ phát triển của Ai-len giai đoạn năm 2007 - 2016, Ai-len đã cấp 150 triệu USD viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, tăng cường năng lực quản lý kinh tế. Năm nay, chính phủ Ai-len sẽ công bố chiến lược quốc gia về Hợp tác phát triển  với Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020.

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam –Anh: Hợp tác kinh tế là một trụ cột

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam –Anh phát triển tích cực. Về chính trị hai nước duy trì trao đổi đoàn cấp cao. Hai bên duy trì tốt các cơ chế hợp tác song phương gồm Đối thoại chiến lược Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế thương mại.

Trong  quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam –Anh, hợp tác kinh tế là một trụ cột. Anh hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai tại Việt Nam, tổng số vốn FDI của Anh hiện nay đạt 3,75 tỷ USD và là Đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 5,6 tỷ USD.  

Anh cũng đang tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận các quỹ và chương trình hợp tác mới như Quỹ Thịnh vượng hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên như cải thiện môi trường kinh doanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở  hạ tầng (năm 2016-2017, Quỹ dành riêng cho Việt  Nam 900.000 bảng Anh), Chương trình Niu- tơn về nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo giai đoạn 2015 - 2021, Anh tài trợ Việt Nam 3 triệu bảng Anh/năm)./. 

Mạnh Hùng

594 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1040
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1040
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87006109