Phó Thủ tướng Thường trực: Xác định năm 2019 là năm bứt phá 

(Chinhphu.vn) – Chính phủ xác định năm 2019 là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã xác định phương châm "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả".

 

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể; có kịch bản tăng trưởng, phương án điều hành hằng tháng, hằng quý theo ngành, lĩnh vực; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện. Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc, nhất là về đầu tư, thương mại, thuế, phí, lao động, đất đai, tài nguyên...

Thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức các hội nghị toàn quốc về: Hội nhập quốc tế, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, chế biến nông sản, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, du lịch, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo..., đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, thúc đẩy những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực cho phát triển. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các diễn đàn, chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch… với sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước để phát huy tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển KTXH của địa phương, của vùng và cả nước. Các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội được thể chế hóa và triển khai sâu rộng vào thực tiễn ngay từ những ngày đầu quý I/2019.

Kết quả ấn tượng những tháng đầu năm 2019

Báo cáo của Chính phủ cho biết: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Mặt bằng lãi suất ổn định, giảm 0,5% cho các lĩnh vực ưu tiên; nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tính thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; đấu tranh quyết liệt với hoạt động tín dụng đen. Tỉ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt kỷ lục.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 6,79%. Khu vực nông nghiệp tăng 2,68%, trong đó ngành thủy sản tăng 5,1%, cao nhất so với cùng kỳ 9 năm gần đây. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,35%. Khu vực dịch vụ tăng 6,5%; tổng cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 11,9%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua.

Xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8% (trong đó xuất khẩu của khu vực trong nước tăng 10,5%, khu vực FDI tăng 4%); xuất siêu 711 triệu USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 8,8%; trong đó vốn đầu tư ngoài Nhà nước tăng mạnh 13,6%. Trong 4 tháng, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%; vốn thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Có trên 43.000 doanh nghiệp thành lập mới và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức cao, thuộc nhóm các nước dẫn đầu khu vực, thế giới.

Theo đó, tổng thu NSNN 4 tháng tăng 13,9%, đạt 36,7% dự toán năm. Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được đẩy mạnh; tình hình thị trường, giá cả ổn định, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, không để thiếu hàng, sốt giá trong những dịp lễ, tết. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng. Ban hành văn bản quy định chi tiết thực hiện Luật Quy hoạch; rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đô thị. Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình và thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Chú trọng thực hiện các chính sách văn hoá-xã hội

Cùng với phát triển kinh tế, Chính phủ chú trọng chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội. Rà soát, điều chỉnh biên chế, hợp đồng giáo viên, bổ sung cho các địa bàn còn thiếu, nhất là ở Tây Nguyên; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục đại học. Tiếp tục triển khai Đề án phát triển hệ tri thức Việt số hóa; ban hành Nghị định quy định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đối thoại, làm việc, gặp gỡ các nhà khoa học, kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Chú trọng phát triển y tế cơ sở, chủ động phòng chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thí điểm đấu thầu tập trung một số vật tư y tế. Tăng cường kết nối, quản lý các cơ sở kinh doanh, phân phối, bán lẻ thuốc. Xây dựng trên 1.200 chuỗi thực phẩm an toàn; chấn chỉnh công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các trường học, nhà máy, khu công nghiệp.

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đời sống đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai được quan tâm, chăm lo. Thúc đẩy đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường; đa dạng hóa hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cung cầu trên thị trường lao động.

Trong 4 tháng giải quyết việc làm cho trên 484.000 lao động (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018); trong đó, đưa trên 44.000 người đi lao động ở nước ngoài. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, điều trị cai nghiện ma túy. Thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển công nghệ thông tin, làm tốt công tác truyền thông. Tăng cường quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin và hệ sinh thái số. Phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển, quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Chính phủ chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để lãng phí đất đai. Quản lý chặt chẽ nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Hoàn thiện các quy định, chấn chỉnh công tác quản lý khai thác cát sỏi lòng sông; xử lý nghiêm các vi phạm. Quan tâm bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng bền vững nguồn nước. Không để xảy ra sự cố đáng tiếc về môi trường; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, cần chú trọng ngăn ngừa nhập khẩu công nghệ lạc hậu, ngành nghề ô nhiễm, rác thải, phế liệu. Tăng cường thanh tra các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề có nguồn thải lớn trên lưu vực sông; xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải không đạt quy chuẩn. Vận động người dân, doanh nghiệp giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, chuẩn bị tổ chức Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết.

Đề cập đến công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, chất lượng và tiến độ trình, ban hành văn bản pháp luật được bảo đảm tốt hơn. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát động phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở. Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử và các cơ sở dữ liệu quốc gia; đưa vào hoạt động Trục liên thông văn bản quốc gia. Tăng cường đối thoại trực tiếp với nông dân, công nhân, trí thức; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Cổng thông tin điện tử tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Công tác thanh tra được đẩy mạnh và triển khai theo kế hoạch; ban hành kết luận thanh tra, chuyển sang cơ quan điều tra nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được triển khai tích cực.

“Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, người dân bức xúc; số vụ việc và số người khiếu nại, tố cáo giảm”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt; ban hành và chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Lê Sơn

336 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1314
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1314
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87160844