|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đặt vấn đề: Xác định vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ xu hướng phát triển như thế nào? Đó là cần phải nghiên cứu trên nhiều yếu tố như quy hoạch, cơ chế điều phối liên kết vùng, các giải pháp đột phá.
Các vùng KTTĐ được các nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm bởi lợi thế so sánh của nó. Vùng KTTĐ Bắc Bộ có lợi thế so sánh rất lớn về nhân lực, về truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm phát triển… điều này thu hút nhiều nhà đầu tư đã và sẽ tiếp tục đầu tư ở vùng KTTĐ này.
Trong thời gian tới, vấn đề đặt ra đối với vùng KTTĐ này vẫn là thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương sao cho phù hợp.
Đối với cơ chế vùng có nên mở rộng địa phương hay không? Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, đây là vùng KTTĐ sẽ tạo ra sức hút, cú huých rất lớn cho sự tăng tốc của nền kinh tế. Cho nên, cần lựa chọn địa phương để tập trung tạo ra động lực lớn. Những địa phương có thể tham gia phải tính toán kỹ các điều kiện và tiêu chí để không bị kéo giãn, bởi chúng ta đang rất cần cơ chế điều phối vùng phát huy hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo chung đối với các vùng KTTĐ, đồng thời phân công các Phó Thủ tướng phụ trách các vùng KTTĐ và có cơ chế phù hợp như sử dụng cơ chế kiêm nhiệm nhưng tham mưu chính vẫn là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đặc biệt, trong vùng KTTĐ phải xác định địa phương đầu tàu, dẫn dắt như Hà Nội là trung tâm của cả vùng, kết nối các hành lang, các trục của vùng kinh tế tạo sự liên kết và phân công trong vùng, nhưng phải xác định lợi thế của vùng để tập trung đầu tư, tạo ra chuỗi giá trị chung của vùng. Cũng như vậy, đầu tư cho từng địa phương đối với sản phẩm riêng của mình phải hết sức hài hoà, chứ không phải phân công máy móc tạo ra cạnh tranh không lành mạnh.
Về động lực cho vùng KTTĐ Bắc Bộ, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, cơ sở hạ tầng khu vực này cần được tiếp tục đầu tư đồng bộ về đường bộ, hàng không, đường biển, đường thuỷ nội địa, logistics, hạ tầng du lịch, tạo khả năng kết nối liên tỉnh, liên vùng, liên khu vực, kết nối các đô thị… để hỗ trợ và thúc đẩy cho nhau, trong đó, làm rõ và đầu tư đúng mức cho phát triển đô thị thông minh.
Đối với đào tạo nguồn nhân lực, cần đặt trong tổng thể chiến lược với việc chú trọng đào tạo nguồn lực toàn diện, nhất là nguồn nhân lực trên đại học, các chuyên gia là điều rất quan trọng. Đồng thời, có hệ thống đào tạo nghề thật tốt với thói quen và kỹ năng nghề nghiệp của người lao động. Do vậy, các doanh nghiệp cũng phải tham gia vào việc đào tạo, nâng cao chất lượng tay nghề, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nhất là các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp công nghệ cao. Gắn vào đó là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, áp dụng công nghệ thông tin, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có được môi trường lành mạnh, cũng là lợi thế của vùng.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, không gian phát triển vùng, liên vùng không chỉ là kinh tế mà cần đầu tư cho văn hoá, xã hội và con người. Bên cạnh cuộc sống phát triển thì rất cần cuộc sống bình yên, an sinh xã hội được bảo đảm, môi trường xanh, sạch, con người thân thiện.
“Trong quá trình đô thị hoá, thu hồi đất xây dựng các công trình cần chú ý làm tốt và bảo đảm hài hoà các lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân, không để nhóm lợi ích chi phối, tham nhũng, dẫn đến phát sinh khiếu kiện, cuộc sống người dân không được bảo đảm theo đúng chính sách của Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ lo lắng về hệ luỵ của công nghiệp hoá, đô thị hoá sẽ phát sinh lối sống, suy nghĩ thực dụng nếu chúng ta không giáo dục, tuyên truyền mạnh mẽ về đạo đức, phẩm chất, lối sống, dẫn đến những tệ nạn xã hội, các loại tội phạm như cướp giật, ma tuý, giết người cướp của, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tội phạm công nghệ cao, vấn đề an ninh mạng…
“Ma tuý đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Ở Việt Nam, chúng ta đã bắt hàng tấn ma tuý, giá trị hàng tỷ USD, làm băng hoại thế hệ trẻ. Do đó, công tác phòng chống tội phạm lấy phòng là chính và đẩy mạnh đấu tranh triệt phá các băng nhóm, tổ chức, đường dây. Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng thể chế, quản lý nhà nước, khắc phục những sơ hở để xây dựng xã hội bình yên, văn minh, hạnh phúc cho người dân”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Lê Sơn