|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đông đảo cán bộ, công chức tham sự Lễ phát động.
Hai cuộc vận động có ý nghĩa với cán bộ, công chức
Phát biểu tại Lễ phát động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường nêu rõ: Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu vĩ đại của cách mạng Việt Nam, luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam và các đoàn thể chính trị phát động, điển hình như: “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”; “Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc"; "Dạy tốt, học tốt"; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”...
Các phong trào này đã thấm sâu vào đội ngũ công nhân, viên chức, lao động, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc và những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ cách mạng.
Nội dung của Cuộc vận động gồm:
- Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà;
- Không quan liêu, vô cảm, vô trách nhiệm;
- Không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm;
- Không xu nịnh, chạy chọt, gian dối;
- Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ.
Nội dung chính của Phong trào gồm:
- Đối với tập thể: Thi đua xây dựng cơ quan, đơn vị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.
- Đối với CBCCVC: Thi đua thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp.
|
Theo ông Bùi Văn Cường, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ LĐVN) xây dựng, phê duyệt và tổ chức Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị công phu, tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến của các ban, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố, đến nay Đề án đã được Đoàn Chủ tịch TLĐ LĐVN phê duyệt. Trước thềm kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch TLĐ LĐVN tổ chức Lễ phát động Cuộc vận động gắn với phát động Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Vẫn còn cán bộ, công chức gây bất bình trong nhân dân
Phát biểu tại Cuộc vận động, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Những năm qua, các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động, tổ chức luôn được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lao động cả nước hưởng ứng tích cực, có tính lan tỏa và đạt hiệu quả cao, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương ghi nhận, điển hình như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Thi đua liên kết xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn”, gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xanh-sạch-đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn”, Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”. Đặc biệt, Công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động số đông công nhân, viên chức, lao động tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...
Kết quả của các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trưởng thành về mọi mặt; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; xây dựng cơ quan, đơn vị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh phần lớn các cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm với công việc, với nhân dân, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm, có các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những hành vi này đã xâm phạm hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức, làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân, gây bức xúc, bất bình trong dư luận.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, để triển khai thực hiện thành công Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực” và Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, thì mỗi tổ chức công đoàn, đoàn viên công đoàn phải là chủ thể tham gia phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tham gia và lãnh đạo Ban Thanh tra nhân dân giám sát việc thực thi phòng chống tiêu cực, tham nhũng tại từng đơn vị.
|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tập trung vào các cơ quan, địa bàn có nguy cơ cao về tiêu cực, tham nhũng
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các cấp công đoàn, nhất là Công đoàn Viên chức Việt Nam các cấp cần quan tâm đến một số nội dung trọng tâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa của Cuộc vận động và phong trào, cách thức tổ chức thực hiện, việc ký kết thi đua đối với tập thể và cá nhân; in ấn, phát hành tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích về Cuộc vận động, thông tin, giới thiệu về Cuộc vận động và phong trào trên các trang, cổng thông tin điện tử các cơ quan, tổ chức và các cấp công đoàn; các cơ quan báo chí tích cực giới thiệu, tuyên truyền về Cuộc vận động, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức cả nước, nhằm hạn chế, đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động công vụ ở nước ta.
“Triển khai Cuộc vận động và phong trào rộng khắp trong toàn hệ thống, tập trung vào những cơ quan, địa bàn có nguy cơ cao về tiêu cực, tham nhũng. Chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt; cán bộ chủ chốt phải thực sự làm gương; tham mưu với cấp ủy đảng đưa nội dung Cuộc vận động vào các buổi sinh hoạt chi bộ; định kỳ đưa nội dung này vào các buổi sinh hoạt và hoạt động công đoàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Cuộc vận động”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.
Xây dựng các mô hình điểm, các cá nhân điển hình để nhân rộng trong toàn hệ thống. Gắn việc thực hiện Cuộc vận động với các phong trào thi đua và các cuộc vận động khác với nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị. Tiến hành khen thưởng, phê bình, xử lý kỷ luật nghiêm minh, công bằng đối với tập thể, cá nhân làm tốt hoặc vi phạm.
Đồng thời, tích cực phối hợp giữa Công đoàn với thủ trưởng cơ quan và lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đơn vị trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Phát huy vai trò và tính tự giác của từng tập thể, cá nhân trong triển khai thực hiện các nội dung Cuộc vận động.
Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình cụ thể của đơn vị, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với tổ chức Công đoàn vận động, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức; tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tổ chức hiệu quả Cuộc vận động và Phong trào, tránh hình thức, lãng phí.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý, các nội dung trên cần được thực hiện gắn với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành và các giải pháp cụ thể theo hướng đi vào thực chất (tránh hình thức), phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính. trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Lê Sơn