|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại và logistics chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tham dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban 1899 và lãnh đạo các bộ, ngành, Tổng cục Hải quan.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả thực hiện của các bộ, ngành thời gian qua.
Tính đến ngày 10/7/2019, đã có 174 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia (NSW), với trên 2,3 triệu hồ sơ, của khoảng 31.000 doanh nghiệp. Đáng chú ý, đến nay, một số bộ đã hoàn thành kết nối NSW.
Điển hình như Bộ Giao thông vận tải đã triển khai 87 thủ tục hành chính, trong đó có 75 thủ tục mới được triển khai năm 2018, hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính trên NSW theo danh mục tại Quyết định 1254/QĐ-TTg. Hiện Bộ đang nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin dự phòng hệ thống công nghệ thông tin của Bộ Giao thông vận tải tham gia NSW; bổ sung và nâng cấp hệ thống phần mềm.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai 6 thủ tục hành chính theo đúng tiến độ và kế hoạch chung của Chính phủ, hoàn thành triển khai các thủ tục hành chính theo danh mục tại Quyết định 1254/QĐ-TTg.
Về triển khai một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 6 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei và Campuchia. Tính đến ngày 10/7/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước là 87.355, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 153.872.
Tuy nhiên, để hoàn thành kết nối 61 thủ tục hành chính mới trong năm 2019 theo kế hoạch, nhiệm vụ từ này đến cuối năm còn hết sức nặng nề. Bởi, hết tháng 7, các bộ, ngành mới kết nối được 16 thủ tục vào một cửa ASEAN và một cửa quốc gia.
Từ nay đến hết năm còn tới 45 thủ tục phải kết nối. Trong đó, Bộ Y tế còn 14 thủ tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 12 thủ tục và Bộ Quốc phòng 8 thủ tục. Như vậy, chỉ 3 bộ này đã chiếm đến 75% số thủ tục phải kết nối từ nay đến cuối năm 2019.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban không hài lòng khi việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, mới giảm 15% mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, trong khi chỉ tiêu của Quốc hội là cắt giảm từ 15-35%. Nguyên nhân là do một số bộ, ngành còn thiếu quyết liệt, khẩn trương, chậm ban hành thông tư hoặc ban hành thông tư không đúng chỉ đạo, gây cản trở cho doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ rà soát quy trình thủ tục, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp liên quan nhằm hoàn thành đúng mục tiêu triển khai 61 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia; tiếp tục triển khai công tác cải cách với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng tăng cường chống gian lận thương mại, bám sát nhiệm vụ được giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg 2019 về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
“Nhiệm vụ này gác cửa là của Tổng cục Hải quan. Chúng ta phải xử lý sớm, nghiêm những sai phạm, sớm kết luận liên quan đến vụ Asanzo, làm rõ đúng sai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết còn nhiều trường hợp khác, phải triển khai quyết liệt, mạnh mẽ vấn đề này.
“Phát hiện và xử lý nghiêm một số vụ để làm gương, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Các đồng chí đã phát ngôn rồi phải bám sát và làm cho chắc. Tổng Cục trưởng đã nói sẽ sớm có kết luận về vấn đề này, cần phối hợp với các Bộ Công Thương, Công an, các bộ khác, có kết luận, đừng để kéo dài”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý.
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đề cập đến thông tin trên báo chí mới đây về việc sản phẩm ván dăm, máy bơm sản xuất ở Trung Quốc tẩy đi, dán nhãn Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Hải quan là cơ quan kiểm tra phải chốt chặt. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực Tổng cục Hải quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiểm tra nhà nước về hải quan, để các văn bản đi vào cuộc sống, tránh tình trạng văn bản chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng liên tục nhắc lại tinh thần chống gian lận thương mại nhưng không được ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, có vướng mắc phải sớm kết luận đúng sai.
Do vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục bám sát, triển khai quyết liệt, có kết quả các nội dung đã kết luận của Chủ tịch Ủy ban tại phiên họp lần thứ 4, Thông báo kết luận số 105, trong đó có việc thí điểm thực hiện bảo lãnh thông quan. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành hoàn thành các thủ tục, trình Chính phủ phê duyệt nghị định quy định về thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành, chậm nhất là trong tháng 8. Bộ Tài chính sớm triển khai xây dựng nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin giữa Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sớm trình Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ chủ trương xây dựng nghị định này…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án tổng thể về CNTT thực hiện NSW theo mô hình quản lý tập trung. Đồng thời các bộ, ngành cần chuyển đổi hệ thống CNTT phân tán sang tập trung để kết nối với hệ thống CNTT của NSW.
Các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc chuyển đổi mô hình hệ thống công nghệ thông tin quản lý chuyên ngành từ xử lý phân tán sang xử lý tập trung, kết nối trao đổi thông tin với Cổng quốc gia để hình thành cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước tập trung. Tổng cục Hải quan phối hợp với các bộ, ngành xây dựng hệ thống đánh giá đo lường chỉ số hoạt động của các thủ tục hành chính thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Đề cập tới con số chi phí logistics của doanh nghiệp chiếm tới 20% GDP, nhưng đóng góp của ngành logistics vào GDP chỉ chiếm 4-5%, Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng cường đóng góp của ngành này và giảm chi phí logistics của doanh nghiệp trong GDP.
Chủ tịch Ủy ban giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đánh giá tổng thể việc xây dựng chương trình mục tiêu phát triển dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ này đến năm 2025, đóng góp từ 8-10% GDP, tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 14-20%, thứ hạng đứng thứ 50 trong chỉ số cạnh tranh của thế giới trở lên.
Thành Chung