Phó Thủ tướng nêu giải pháp đối với vấn đề xâm hại trẻ em 

(Chinhphu.vn) - Để ngăn chặn, xử lý các vụ xâm hại trẻ em Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phải có quy trình điều tra xét xử thực sự thân thiện để những nạn nhân mạnh dạn trình bày, tố cáo với sự tham gia ngay từ đầu của các chuyên gia tâm lý, nhà hoạt động xã hội.

Làm rõ thêm phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề xâm hại trẻ em của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, chiều 5/6, Phó Thủ tướng “chia sẻ suy nghĩ của các đại biểu về sự bức xúc và yêu cầu phải xử lý nghiêm minh những vụ việc xâm hại trẻ em, đúng người, đúng tội, không để oan sai, không để lọt và quan trọng nhất là phải đặt yêu cầu bảo vệ quyền lợi của trẻ em lên trên”.

Theo Phó Thủ tướng, bạo hành, xâm hại trẻ em là vấn đề quốc tế. Thế giới hiện nay một năm có khoảng 150 triệu trẻ em gái, 73 triệu trẻ em trai bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau từ lời nói, thái độ đến các hành vi bạo lực, đánh đập, xâm hại về tình dục, sức khỏe. Điều tra của các tổ chức quốc tế cho thấy 83% bé gái và 79% bé trai ở Mỹ bị xâm hại; ở Hàn Quốc tỷ lệ này là 67%; ở Việt Nam là 62%; còn tại Nhật Bản, số liệu điều tra năm 2016 tại tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở có trên 224.000 vụ trẻ em bị xâm hại.

Vì vậy, con số 2.000 vụ việc xâm hại trẻ em, 1.300-1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hàng năm ở Việt Nam chỉ là “phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ là xử lý các vụ việc vi phạm bị phát hiện. Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản liên quan đã quy định rõ 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, với trách nhiệm cụ thể của 17 cơ quan, bộ ngành, tổ chức về trách nhiệm bảo vệ trẻ em.

Phó Thủ tướng cho biết trước khi Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực (1/6/2017), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80 về xây dựng môi trường trường học thân thiện, an toàn, phòng chống bạo lực; Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em với rất nhiều các giải pháp, đề án. Song qua hơn 1 năm thực hiện, rất nhiều điều trong Luật Trẻ em chưa triển khai được.

Phó Thủ tướng nêu 3 ví dụ cụ thể: Điều 12 của Luật quy định UBND xã phải chỉ định, tập huấn cho người được phân công trách nhiệm về bảo vệ trẻ em ở cấp xã nhưng đến giờ phút này rất ít tỉnh thực hiện được. Về nguồn lực dành cho công tác bảo vệ trẻ em, ngoài kinh phí từ ngành y tế, giáo dục, còn nguồn kinh phí từ ngành LĐTBXH nhưng chưa đến một nửa địa phương thực hiện. Bên cạnh các cơ quan như tòa án, kiểm sát, công an, Luật còn quy định trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em… nhưng đến nay chưa có một chương trình tập huấn đồng bộ của các cơ quan, đoàn thể này dành cho cán bộ phụ trách công tác trẻ em ở cơ sở.

“Tới đây khi tiến hành tổng kết Chỉ thị 18 của Thủ tướng, chúng ta cần đề ra những giải pháp để triển khai mạnh mẽ các quy định đã được nêu trong Luật Trẻ em năm 2016 trên tinh thần kiểm điểm việc gì làm được thì nói được, việc gì chưa làm được thì thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định điều quan trọng nhất là có các giải pháp đồng bộ để không chỉ là 2.000 vụ việc mà nhiều vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, thông báo, xử lý.

Cùng với đó là một quy trình điều tra xét xử thực sự thân thiện để những nạn nhân mạnh dạn trình bày, tố cáo với sự tham gia ngay từ đầu của các chuyên gia tâm lý, nhà hoạt động xã hội.

“Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Tổng đài quốc gia về trẻ em 111. Ngay sau khi tổng đài hoạt động số lượng các cuộc gọi đến để hỏi, được tư vấn, thông báo về các vụ việc liên quan đến trẻ em tăng lên rất nhiều. Mong rằng các biện pháp đồng bộ sẽ tạo nên sự thay đổi, hình thành cách nghĩ, cách làm đúng đắn đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Đình Nam

392 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1295
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1295
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87088375