Phó Thủ tướng chia sẻ việc thúc đẩy phát triển kinh tế trong 3 năm tới 

(Chinhphu.vn) - Tại phiên thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu đoàn Hà Tĩnh) chia sẻ về các giải pháp của Chính phủ trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại thảo luận tổ về tình hình kinh tế- xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Phó Thủ tướng, thu-chi ngân sách nhà nước là vấn đề thường xuyên gặp nhiều trở ngại trong điều hành của Chính phủ, liên quan tới lợi ích, năng lực công vụ của nhiều bộ, ngành và địa phương. Trong dài hạn, để tái cơ cấu thu-chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng cho biết phải thực hiện chính sách thu nội địa với tỉ lệ động viên phù hợp, không quá khả năng của doanh nghiệp và người dân, khoảng từ 21-23% GDP và phải giữ tỉ lệ này.

Ưu tiên lớn nhất của Chính phủ là tập trung chống thất thu và chống xói mòn cơ sở thuế hơn là tăng thuế suất. “Chúng tôi cũng chỉ đạo các cơ quan thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được vì mẫu phương pháp thống kê của ta hiện nay chưa bảo đảm”, Phó Thủ tướng nói và cho biết thêm Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng và chuẩn bị ban hành nghị định về hoá đơn điện tử nhằm tăng thu bền vững cho Nhà nước.

Với thuế nhà đất, Chính phủ chưa có chủ trương nghị sự nội dung này. Lãnh đạo Chính phủ đã làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) và trong tháng này, WB sẽ cử chuyên gia giỏi nhất về lĩnh vực này giúp Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng về bản chất của thuế tài sản.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng làm việc với Bộ Tài chính về dự án một luật sửa nhiều luật thuế và đang yêu cầu Bộ Tài chính rà soát lại vấn đề này, nhất là các nội dung liên quan tới đời sống người dân (như thuế giá trị gia tăng), đặc biệt rà soát lại ưu đãi thuế để vừa thu hút DN đầu tư nước ngoài vừa làm DN trong nước mạnh lên và kết nối 2 khối này với nhau.

“Ta phải tiếp cận dự án luật này theo hướng cả 2 khối 'khoẻ lên' và kết nối với nhau, tạo thành chuỗi, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị cho Việt Nam. Đây là con đường chúng ta đi. Nghị quyết số 35 và 19 của Chính phủ, việc triển khai Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang làm rất mạnh cái này”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về cơ cấu thu, theo Phó Thủ tướng, hiện nay cứ tới tháng 9 hằng năm là các địa phương và Bộ Tài chính tính ước thu và tính toán lạm phát, mức tăng trưởng để tính phần trăm tăng thu thêm mà không tính tới việc tỉnh đó có dự án nào, triển khai ra sao. Vì vậy dẫn tới việc tăng thu bình quân. Hơn nữa có tỉnh tăng thu rất cao mà không điều chỉnh sang tỉnh hụt thu được, còn Trung ương vẫn phải bù nên rất khó bảo đảm cho ngân sách Trung ương.

Về nợ công, Phó Thủ tướng cho rằng“tỉ lệ nợ công 65% GDP chỉ là mức trần. Quan trọng là khả năng trả nợ. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc này”.

Giai đoạn 2011-2015 nợ công tăng 21,8%/năm; hai năm gần đây tăng khoảng 9%. Tới nay nợ công đã bảo đảm an toàn. Chính phủ đã giảm triệt để bảo lãnh Chính phủ, hầu như không còn bảo lãnh; các khoản vay về cho địa phương vay lại thì tăng cường trách nhiệm của địa phương; rồi chuyển nợ ngoài nước thành nợ trong nước, chuyển nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn. Thời gian trả nợ bình quân trái phiếu Chính phủ (TPCP) của năm 2011 là 3,95 năm nhưng tới năm 2017 kỳ hạn trả TPCP là 17,6 năm; bình quân lãi suất trước đây là 12,01% thì nay chỉ còn 5,98%. Trước đây ngân hàng thương mại nắm 80% TPCP thì nay chỉ còn 54%, vì các công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính đã tham gia vào việc này...

Đồng tình với các đại biểu Quốc hội về việc tận dụng vốn ODA khi nhu cầu các địa phương về loại vốn này rất cao nhưng vướng trần dự toán. Phó Thủ tướng cho biết muốn tăng trần vay nợ ODA thì phải giảm đầu tư trong TPCP. Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong thẩm quyền có thể điều chỉnh dự án ODA nào giải ngân nhanh mà thiếu vốn thì điều từ dự án ODA giải ngân chậm sang, địa phương này giải ngân kém thì chuyển sang địa phương khác giải ngân tốt hơn.

“Nhu cầu ODA hiện nay là 135.000 tỷ đồng tăng thêm cho tới hết năm 2020. Nếu giải ngân được số tăng thêm này thì phải điều chỉnh lại TPCP, nếu không giảm TPCP thì bội chi ngân sách sẽ tăng lên ở mức độ nhất định. Chúng tôi đang chỉ đạo đánh giá 3 năm sơ kết kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính trung hạn để giải quyết tốt vấn đề này”.

Đối với giải pháp thúc đẩy đầu tư công thì Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt, tới hết tháng 5/2018, giải ngân vốn đầu tư công đã tích cực hơn, riêng tháng 4 thì giải ngân 9,1% số vốn kế hoạch giao của cả năm, bằng tỉ lệ của cả quý I và dự kiến riêng tháng 5 bằng 50% của 4 tháng qua.

Về nông nghiệp, 4 tháng đầu năm đã tăng 4%, thể hiện tái cơ cấu bền vững hơn, chuyển đổi tốt hơn. Ngay Đồng bằng sông Cửu Long không còn khái niện theo từng tỉnh nữa mà theo vùng (nước mặn, nước ngọt, nước lợ) để có thể chuyển nhiều diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản hoặc 1 vụ tôm 1 vụ lúa, nên giá trị/ha tăng mạnh…

Về phát triển kinh tế hợp tác, Chính phủ cũng chỉ đạo triển khai chương trình phát triển 15.000 hợp tác xã (HTX) hiệu quả vào năm 2020 và chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Số lượng HTX thành lập mới tăng 40%, hằng năm tổ chức diễn đàn phát triển kinh tế nông nghiệp và hội chợ sản phẩm HTX. Chính phủ cũng tập trung xây dựng các chợ đầu mối mà đầu tiên là ở Hà Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hy vọng với 3 Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp-nông thôn sẽ trở thành “bộ 3 xe-pháo-mã” vực dậy kinh tế nông nghiệp và khu vực nông thôn.

Từ kết quả xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại tỉnh Nam Định, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là câu trả lời cho việc chia sẻ thành quả của phát triển kinh tế tới xã hội.

Nam Định có 200/209 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang hướng tới mục tiêu tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2019.

Trên bình diện cả nước, Phó Thủ tướng cho biết tới nay đã có 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 52 huyện đạt nông thôn mới. Hết năm 2018 có 38,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và chỉ tiêu 50% số xã về đích nông thôn mới có thể trước 1 năm so với năm 2020.

“Chúng tôi cũng tập trung vào phát triển thôn, bản, nông thôn mới ở vùng cao, vùng khó khăn để thực hiện hiệu quả chương trình nông thôn mới, nâng cao chất lượng người dân ở những vùng đặc thù”, Phó Thủ tướng cho biết.

Thành Chung

402 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1276
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1276
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87114658