Phó Thủ tướng: ‘Có hay không có đặc khu thì Hà Nội và TPHCM vẫn là 2 đầu tàu’ 

(Chinhphu.vn) – Chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thành lập các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) liệu có ảnh hưởng tới việc đầu tư, phát triển Hà Nội, TPHCM hay các vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia.

Chất vấn này được đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đặt ra, được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Có hay không có các đặc khu thì cũng không làm ảnh hưởng tới chính sách đầu tư, phát triển Hà Nội, TPHCM và 7 vùng kinh tế của cả nước để lan toả tới các địa phương khác”.

Phó Thủ tướng cho biết, theo thông lệ của thế giới, đặc khu là nơi thể nghiệm thể chế và tạo cực tăng trưởng. Ở Việt Nam, ta tính toán lợi ích tổng thể về kinh tế, đầu tư, quan hệ kinh tế-quốc phòng, an ninh và được Quốc hội đang thảo luận.

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thân (tỉnh Thái Bình) về cơ chế lựa chọn Chủ tịch UBND Đặc khu có bảo đảm chọn được người tài không? Phó Thủ tướng cho biết cán bộ quản lý đặc khu cũng phải đặc biệt. “Lựa chọn cán bộ có quy trình chặt chẽ: Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu còn Thủ tướng phê chuẩn. Hy vọng sẽ chọn được người tài”, Phó Thủ tướng cho biết.

Liên quan tới các vùng kinh tế, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) đặt ra những tồn tại trong liên kết vùng để phát triển kinh tế và đâu là giải pháp căn cơ?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định tăng cường liên kết vùng và cơ chế điều phối vùng. Liên kết vùng không phải là phát huy lợi thế từng tỉnh mà là phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh trong tương quan cả vùng.

“Ta phải có quy hoạch phát triển vùng, việc này Nhà nước phải làm và cùng với đầu tư công, đầu tư toàn xã hội để hoàn thiện hạ tầng, ưu tiên đầu tư các lĩnh vực có tính lan toả. Nhà nước tạo cơ chế cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị ở vùng này chứ Nhà nước không làm”, Phó Thủ tướng nói.

“Hiện nay Miền Trung có cơ chế điều phối tự  nguyện theo mô hình Hội đồng vùng. Ở ĐBSCL thì Bộ KH&ĐT đang giữ vai trò Tổ trưởng điều phối nhưng đúng là chưa đủ hiệu lực. Ngay ở Đông Nam Bộ, các tỉnh cũng đang đề nghị Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Thành Chung

444 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1291
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1291
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87088387