|
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với các đại biểu nữ doanh nhân cựu chiến binh và nữ doanh nhân thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam thành lập từ năm 2013, đến nay đã có tại 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong Hiệp hội 5 năm qua đạt 250.000 tỷ đồng, nộp thuế cho Nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng.
Hiệp hội đã giải quyết việc làm cho hơn 600.000 lao động, chủ yếu là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh, trong đó có sự đóng góp hiệu quả của các nữ doanh nhân cựu chiến binh. Nữ doanh nhân không chỉ phát triển kinh doanh, làm giàu cho mình và cho xã hội, mà còn tham gia tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, Hiệp hội đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho công tác từ thiện, trao tặng nhiều nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho người nghèo.
Trò chuyện với các đại biểu, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những thành tích hai hội nữ doanh nhân đã đạt được trong những năm qua. Phó Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh hoạt động kinh doanh thành công, hội còn đi đầu trong công tác xã hội từ thiện, tri ân đồng đội; mỗi năm đóng góp hơn 100 tỷ đồng giúp đỡ con em gia đình chính sách, con em cựu chiến binh gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nhấn mạnh sự đóng góp lớn của doanh nhân Việt Nam trong đó có các nữ doanh nhân, Phó Chủ tịch nước cho biết, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang dốc sức thi đua để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị các nữ doanh nhân nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, thích ứng với những thay đổi mới của xã hội, người tiêu dùng để tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong kinh doanh, thuế, bảo vệ môi trường; tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các nữ doanh nhân cũng cần tích cực nghiên cứu và áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm; tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm các gia đình chính sách, người nghèo, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật.
Phó Chủ tịch nước mong các nữ doanh nhân tiếp tục phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, quyết tâm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
(theo TTXVN)