Sáng 3/10 đã diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương chủ trì cùng lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tuy nhiên đến nay mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của nước ta còn thấp.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái. Trên cơ sở Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể.

Toàn cảnh Phiên toàn thể

“Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp này có tầm quan trọng không kém. Do đó, với tinh thần “cách mạng” đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng, thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng, trực tiếp theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết này” - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Diễn đàn lần này được tổ chức với các mục đích nhằm công bố các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành đẩy mạnh triển khai tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời tạo cơ hội trao đổi, tiếp nhận các ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Qua đó kết nối kinh doanh và xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực của Cách mạng công nghiệp 4.0 giữa các nhà đầu tư quốc tế với cộng đồng doanh nghiệp và đại diện của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Chủ trương và chương trình hành động của Việt Nam chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã tập trung phổ biến quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và các báo cáo mang tính định hướng định hướng, chiến lược hướng tới nền kinh tế số xã hội số và chia sẻ kinh nghiệm khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế hàng đầu về chuyển đổi số.

Tiếp đó là phiên Toạ đàm bàn tròn cấp cao với sự có mặt của đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ, đại diện các doanh nghiệp, diễn giả trong và ngoài nước sẽ thảo luận về việc hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho Việt Nam chủ động tham gia CMCN 4.0 cùng với đề xuất các giải pháp kỹ thuật thúc đẩy chuyển đổi số ở các ngành kinh tế trọng điểm.

 
Hình ảnh tại Diễn đàn

Chuỗi hội thảo chuyên đề tập trung vào 5 chủ đề chính bao gồm: Ngân hàng số; Thành phố thông minh; Sản xuất thông minh, Năng lượng thông minh và Kinh tế số. Các phiên hội thảo với sự xuất hiện của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các chuyên gia, diễn giả và đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ hướng tới thảo luận về hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 trong các ngành cũng như lắng nghe chia sẻ, khuyến nghị các chiến lược, giải pháp cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Song song với các phiên chuyên đề, Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 sẽ mở rộng với quy mô gấp đôi cùng gần 80 gian hàng đến từ các công ty trong nước và quốc tế tiêu biểu như: VNPT, VIETTEL, Qualcomm, FPT, Vietcombank, ABB, Samsung, SAP, CMC… Triển lãm được chia thành các khu vực trưng bày khác nhau với các sản phẩm và giải pháp công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, các công nghệ tiêu biểu bao gồm thiết bị 5G, công nghệ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, robot Yumi … mang lại trải nghiệm thiết thực cho người tham gia cơ hội tương tác trực tiếp với robot hoặc trải nghiệm thực tế với các công nghệ thực tế ảo.

Song hành với hội thảo và triển lãm là hoạt động Kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp./.

Tin, ảnh: Hiền Hòa