Phiên họp 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung quan trọng 

(ĐCSVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Phiên họp 26 có nhiều nội dung cần xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ưu tiên bố trí thời gian để thực hiện đúng chương trình đã đề ra.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành Phiên họp thứ 26 (từ 8 - 13/8) để xem xét, quyết định các nội dung lớn: Cho ý kiến về 8 dự án luật, trong đó có 7 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm: dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Chăn nuôi; dự án Luật Trồng trọt; dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi; dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và 1 dự án Luật trình Quốc hội lần đầu là dự án Luật Kiến trúc.

Tại Phiên họp này, UBTVQH cũng cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Cho ý kiến về điều chỉnh nội bộ dự toán chi ngân sách nhà nước đã giao trong năm 2017 để bổ sung dự toán chi năm 2018 của Bộ Tài chính (chuyển từ Tổng Cục Thuế sang Tổng cục Hải quan). UBTVQH cũng cho ý kiến về việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 và xử lý vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14...

 

Khai mạc Phiên họp 26 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TH).

Ngoài ra, UBTVQH cũng xem xét, quyết định việc cử ủy viên Hội đồng tuyển chọn giám sát thẩm phán quốc gia, thành viên hội đồng tuyển chọn, kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét cấp bậc quân hàm cao cấp đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan là cấp tướng của đơn vị thành lập mới thuộc Bộ Quốc phòng. UBTVQH cũng sẽ tiến hành giám sát chuyên đề  “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”. Đồng thời, UBTVQH cũng tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nội dung này sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp). 

Theo chương trình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phiên họp có nhiều nội dung cần xem xét, quyết định, vì vậy đề nghị UBTVQH ưu tiên bố trí thời gian để thực hiện đúng chương trình đã đề ra.

Bảo đảm thi hành chặt chẽ, tránh tình trạng lạm dụng trong quá trình đặc xá

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định 03 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. 

Cho ý kiến về vấn đề này, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn quy định 3 lần có “dày” quá không?, theo đó, đề nghị chỉ nên đặc xá vào 2 thời điểm: Tết  Độc lập 2/9 và Tết  Nguyên đán.

Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật, song Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, 10 năm qua chưa có văn bản nào quy định thế nào là ”sự kiện trọng đại” để thực hiện thống nhất ?. Trên cơ sở đó đề nghị quy định rõ trong Luật hoặc có văn bản dẫn chiếu của Chính phủ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay sẽ tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định, phối hợp với Chính phủ  để quy định rõ về sự kiện trọng đại.

Về điều kiện thực hiện nghĩa vụ bồi thường và các nghĩa vụ dân sự, Điểm d khoản 1, Điều 11 của dự thảo Luật quy định như sau:“Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự (THADS) có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước”. 

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, mục đích của đặc xá là tha tù trước thời hạn, mang tính nhân văn, chứ không phải là xoá nghĩa vụ dân sự. Do vậy phải ràng buộc trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS, nếu không cứ ra quyết định, sau này không có biện pháp đôn đốc và ràng buộc trách nhiệm của  người được đặc xá tiếp tục thực hiện nghĩa vụ dân sự, để bảo đảm quyền lợi người có quyền được hưởng dân sự. “Đề nghị nghiên cứu bổ sung căn cứ, thủ tục ra quyết định của thủ trưởng cơ quan THADS, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan THADS khi ra quyết định này để bảo đảm thi hành chặt chẽ, tránh tình trạng lạm dụng. Cần dẫn chiếu với quy định của Luật THADS”, ông Định nói. 

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải quan tâm đến tính công khai, minh bạch, công bằng để lựa chọn đối tượng được đặc xá. Bày tỏ sự ấn tượng với con số gần như không có khiếu nại tố cáo liên quan đến công tác đặc xá thời gian qua, tuy nhiên Trưởng Ban Nguyễn Thanh Hải cho hay, qua dư luận vẫn có ý kiến cho rằng quá trình xem xét đối tượng đặc xá còn nằm khép kín trong nội bộ của ngành công an.

Hiện nay, Luật Thanh tra không có quy định về thanh tra với lĩnh vực này. Thanh tra tư pháp thuộc về Viện kiểm sát. 

“Đề nghị có quy định rõ ràng vai trò của Viện kiểm sát trong thanh tra, giám sát về trình tự, thủ tục đặc xá”. Đồng thời nghiên cứu bổ sung thành phần tham gia của cơ quan dân cử vào Hội đồng đặc xá “, bà Nguyễn Thanh Hải nói./.

 

 

Thu Hằng

339 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 804
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 804
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87016698