Phía sau câu chuyện đổi 100 USD phạt 90 triệu 

(Chinhphu.vn) - Vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng tiếp tục được quan tâm khi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý của vụ việc.

 

Ảnh minh họa

Có thể thấy,  phía sau câu chuyện xử phạt hành chính tưởng chừng rất rõ ràng này còn không ít vấn đề đáng bàn. Đó là việc người dân băn khoăn về mức phạt 90 triệu dành cho một người dân đem đổi tờ tiền mệnh giá 100 USD; chuyện quyết định khám nhà được soạn thảo và ký trước ngày xảy ra việc phát hiện quả tang hành vi vi phạm, chuyện doanh nghiệp bị thu giữ 20 viên kim cương, 19.910 viên hột đá nhân tạo...

Theo nhiều chuyên gia, nếu căn cứ vào quy định pháp luật, với khung phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng, quyết định áp dụng pháp luật của cơ quan chức năng TP Cần Thơ không sai và cũng không “quá đáng”. Thế nhưng vì sao quyết định này lại gặp phản ứng?

Trên phương diện thực tế, với các doanh nghiệp và với những người chuyên làm nghề mua bán ngoại tệ để kiếm lời, quy định của Nghị định 185 có thể là phù hợp. Bởi họ hoạt động mang tính chuyên nghiệp, hành vi thực hiện đi thực hiện lại nhiều lần và đương nhiên ngay từ khi “khởi sự kinh doanh” họ phải có trách nhiệm tìm hiểu và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.

Nhưng với người dân lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Người dân có nhu cầu đổi ngoại tệ, họ khó có khả năng biết được tiệm vàng nào được cấp phép thu đổi ngoại tệ để giao dịch và ngay cả ở các ngân hàng, không lẽ cứ mỗi lần đổi ngoại tệ, họ phải yêu cầu ngân hàng trình giấy phép?

Với những hoạt động hoàn toàn mang tính sự vụ, rất ít khả năng lặp lại của mình, người dân khó lòng hiểu biết tất cả các quy định pháp luật mang tính chuyên biệt trong những lĩnh vực kinh doanh cụ thể. Dù biết, họ cũng rất khó để tuân thủ khi chỉ  đổi một tờ tiền nhưng họ lại phải yêu cầu và  “kiểm tra”, “thẩm định” giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp.

Không chỉ có vậy, việc hành xử của cơ quan chức năng TP Cần Thơ cũng có nhiều điều đáng bàn. Cho dù căn cứ vào quy định pháp luật thì trước khi ra một quyết định hành chính, cơ quan áp dụng pháp luật cũng cần cân nhắc đầy đủ các yếu tố của một trường hợp vi phạm cụ thể để ra một quyết định hợp pháp và hợp lý.

Cùng với ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm và đặt câu hỏi chất vấn những người có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng “tính chất ở đây là một người dân đưa 100 USD đi đổi, chứ không phải kinh doanh buôn bán” và đề nghị Bộ trưởng Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét lại quy định này. Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định việc khám xét nhà phải đúng luật, xử phạt phải đúng thời gian.

Về phía các Bộ ngành, Thống đốc Ngân hàng NN Lê Minh Hưng cho rằng sau vụ việc này cần xem xét và sửa đổi quy định pháp luật cho phù hợp hơn với thực tế. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng cho rằng vụ việc cho thấy việc áp dụng pháp luật một cách máy móc.

Câu chuyện có thể chưa dừng lại ở đây, khi theo thông tin trên báo chí, chủ tiệm vàng trong vụ việc đã có đơn khiếu nại. Thế nhưng, chỉ nhìn từ khía cạnh người dân đi đổi tiền, cũng đã có rất nhiều điều đáng suy nghĩ. Nếu như những quy định của pháp luật luôn là cứng nhắc, những quy định không phù hơp cũng cần thời gian để sửa, thì thực tế đòi hỏi những người có thẩm quyền áp dụng luôn cần sự linh hoạt với suy nghĩ vì dân để có những quyết định hợp tình, hợp lý. Nếu không, người dân có thể đặt vấn đề về những động cơ phía sau cách xử lý đó.  

Quang Lê

418 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 673
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 673
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77014717