PHÁT TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG, XÂY DỰNG VĨNH LINH NGÀY CÀNG VĂN MINH, GIÀU ĐẸP 

Trong dòng chảy lịch sử của quê hương, đất nước, Vĩnh Linh có một vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng. Miền quê Vĩnh Linh sống trong lòng của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, nhất là khi Vĩnh Linh thực hiện sứ mệnh sau Hiệp định Gieneve năm 1954, vừa là đầu cầu giới tuyến, vừa là tiền đồn miền bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương cho chiến trường miền nam.

Với vị trí đặc biệt quan trọng, nơi “đầu sóng ngọn gió” trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hoà, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định thành lập Vĩnh Linh - “ngang với một tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ Trung ương”, với tên gọi chính thức là khu vực Vĩnh Linh.

Hai năm hẹn ngày đất nước đoàn tụ sau Hiệp định Gieneve đã biến thành 20 năm mịt mù khói lửa trong cuộc đụng đầu lịch sử giữa khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc Việt Nam với dã tâm chia cắt lâu dài đất nước ta của đế quốc Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hoà. Vĩnh Linh là nơi chứng kiến và trực tiếp đối mặt với cuộc đấu tranh khốc liệt ấy.

Quả bom phá hoại đầu tiên mà giặc Mỹ ném xuống miền bắc chính là trên đất Vĩnh Linh. Song “Gươm nào chém được dòng Bến Hải/Lửa nào thiêu được dãi Trường Sơn”, quân và dân Vĩnh Linh đã kiên cường bám trụ, vừa chiến đấu bảo vệ giới tuyến, giữ vững từng tấc đất, bờ cây, ngọn cỏ, vừa lao động, sản xuất xây dựng XHCN, vừa sẵn sàng chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; tiếp viện cho đảo Cồn Cỏ; cưu mang đồng bào các huyện phía nam: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh trong chiến dịch K15 của Tỉnh uỷ Quảng Trị, góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Kết quả đó là kết tinh của ý chí "một tấc không đi, một li không rời", một tinh thần bất diệt “Ngồi trên đầu sóng, chí thêm bền. Đất sôi Nam hồ, rực Tây lửa trút lên đầu thù”, hay “Đâu đâu cũng một lời quyết thắng; Ngày lại ngày, máu vẫn đổ trên luống cày sâu; dốc sức cho  tiền tuyến; dù ăn khoai, ăn sắn cũng cam, phải đánh thắng(*).

Đó là đảo Cồn Cỏ vững vàng giữa sóng gió biển khơi, hai lần được tuyên dương Anh hùng; là giữa đại ngàn hùng vĩ, Ðồn Biên phòng Cù Bai thắp sáng đỉnh Trường Sơn bằng ý chí chiến đấu ngoan cường khiến kẻ thù khiếp sợ; là những chiến công vang dội của chiến sĩ Ðồn Công an Hiền Lương để giữ cho lá cờ đỏ sao vàng vẹn nguyên kiêu hãnh tung bay nơi đầu cầu giới tuyến và hình ảnh mẹ Diệm "vá lá cờ như vá cả buồng tim"…

Đó là hệ thống hầm hào, địa đạo như thiên la địa võng trong lòng đất, mà địa đạo Vịnh Mốc là biểu tượng cho ý chí bất diệt, là một công trình trí tuệ và sự nỗ lực phi thường của quân và dân Vĩnh Linh.

Đó là những đội quân "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam", ngày bám trụ chiến đấu, chi viện chiến đấu và lao động sản xuất, đêm vượt sông vào nam diệt giặc, phá đồn... Đó chính là sự mưu trí, bản lĩnh của những người lính cách mạng, của quân và dân giới tuyến Vĩnh Linh để làm nên một Vĩnh Linh luỹ thép anh dũng, kiên cường và bền vững hơn mọi thứ sắt thép đạn bom mà kẻ thù dội xuống mảnh đất này.  Tất cả sẽ mãi là câu chuyện như huyền thoại nơi tuyến lửa Vĩnh Linh.

Từ thực tiễn Vĩnh Linh ngày đó, hai chiến dịch sơ tán K8, K10 sơ tán hàng chục vạn người già, em nhỏ ra miền Bắc, cuộc "vạn lý trường chinh" có một không hai trong lịch sử Vĩnh Linh và của cả nước, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ trong việc vừa chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vừa không quên nhiệm vụ đào tạo con em sau này trở về xây dựng quê hương trong niềm tin chiến thắng bất diệt.

  Tất cả đã làm cho Vĩnh Linh - đất mẹ anh hùng đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết thắng của nhân dân ta, đã viết nên trang sử hào hùng, truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh trong 70 năm qua. Với những chiến công “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên của miền bắc XHCN hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, vinh dự được Bác Hồ 8 lần viết thư khen, động viên và tặng hai câu thơ bất hủ: "Đánh cho giặc Mỹ tan tành

          Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh Anh hùng".

       Truyền thống ấy là cội nguồn sức mạnh để Vĩnh Linh tiến những bước dài trong lịch sử xây dựng và phát triển quê hương, để Vĩnh Linh viết tiếp bài ca anh hùng biến "lũy thép" xưa thành "lũy hoa" trong thời kỳ đổi mới, hoà bình và phát triển.

       70 năm đã qua, những dấu tích tàn phá của chiến tranh dần lùi vào quá khứ, vùng đất lửa huyền thoại ngày nào giờ đã và đang vươn lên mạnh mẽ bằng khát vọng, ý chí của bao thế hệ quân và dân nơi đây. Cầu Hiền lương, sông Bến Hải - nơi ghi dấu 20 năm chia cắt hai miền nam - bắc giờ đã mang trong mình sứ mệnh là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ mai sau và là một trong những điểm đến du lịch cách mạng nổi tiếng của Vĩnh Linh, Quảng Trị, điểm đến của hoà bình.

       Đảng bộ và Nhân dân huyện Vĩnh Linh đã nỗ lực, quyết tâm, năng động, sáng tạo, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của huyện, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoà nhịp cùng công cuộc đổi mới của đất nước và tỉnh Quảng Trị, kinh tế Vĩnh Linh đạt được sự phát triển nhanh, ổn định và vững chắc; vươn lên trở thành một trong những địa phương năng động của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của huyện tiếp tục được phát huy hiệu quả, hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện có sự phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư xây dựng và nâng cấp, nhiều tuyến giao thông mới được mở ra, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ngày càng phát triển, là điểm sáng của tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn. Huyện đã kêu gọi, thu hút được một số doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh đã tạo ra bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng hoàn chỉnh. Nông thôn mới đang hiện hữu ở các vùng quê đáng sống trên khắp mọi miền quê hương nhờ chủ trương thúc đẩy chính sách tam nông của Đảng, trong đó đặc biệt là những thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Danh sách hộ nghèo được rút ngắn từng năm bởi quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bởi sự khát khao nỗ lực vươn lên trong mỗi gia đình, người dân. Các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện được giữ gìn và phát huy. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn vững mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường. Vĩnh Linh đã đạt chuẩn Huyện Nông thôn mới năm 2024 đúng dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống huyện nhà. Cùng với 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, huyện Vĩnh Linh là một trong hai địa phương của tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

         Để tiếp nối truyền thống hào hùng ấy và phát huy những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh cần chủ động tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tập trung huy động sức mạnh toàn dân quyết tâm phấn đấu xây dựng Vĩnh Linh trở thành địa phương có nền kinh tế phát triển toàn diện, chính trị xã hội ổn định, người dân được sống trong môi trường an toàn, hạnh phúc.

       Trên nền tảng thành quả đạt được trong thời gian qua, cần tiếp tục nghiên cứu, nhận diện rõ hơn những thời cơ thách thức trong bối cảnh mới để có những định hướng mới trong chiến lược phát triển của huyện trong thời gian tới. Với vị trí là cửa ngõ phía Bắc Quảng Trị, Vĩnh Linh có 3 thị trấn được phân bổ đều cả 3 vùng, miền, gồm: Thị trấn biển Cửa Tùng, thị trấn miền núi Bến Quan và thị trấn trung tâm Hồ Xá. Phát huy thế mạnh “kiềng ba chân” này, trong định hướng phát triển, Hồ Xá sẽ trở thành đô thị thông minh; Cửa Tùng là đô thị du lịch - dịch vụ và Bến Quan là đô thị kinh tế tổng hợp gắn kết với vùng kinh tế nhiều tiềm năng Bắc Hướng Hóa thông qua tuyến đường Bến Quan - Vĩnh Ô - Hướng Lập đang được xây dựng, là cơ sở để Vĩnh Linh nghiên cứu, xây dựng và triển khai định hướng phát triển trở thành đô thị phía Bắc của tỉnh. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, để tạo động lực tăng trưởng bền vững, phát triển toàn diện, nâng cao đời sống của nhân dân. Tập trung nguồn lực đầu tư, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và một số ngành lĩnh vực công nghiệp của huyện. Đồng thời huyện Vĩnh Linh cần lưu ý đến việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí về sản xuất, môi trường trong xây dựng nông thôn mới; có giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân...

         Với bề dày truyền thống cách mạng, tin tưởng huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy, tạo dựng nên những cơ đồ mới trong tương lai, để từng bước đưa địa phương từ “lũy thép” trở thành “lũy hoa” như mong ước, khát vọng của Nhân dân. Nguyễn Đăng Quang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

_______________

* Câu hát trong Bài ca Vĩnh Linh của nhạc sĩ Hoàng Vân

62 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 530
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 530
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84444877