Phát triển vườn ươm tạo cần cơ chế thông thoáng  

(Chinhphu.vn) – Hiện nay, các vườn ươm tạo đang gặp nhiều khó khăn, đó là khung pháp lý còn sơ khai, phạm vi điều chỉnh còn hẹp và chậm được ban hành nên khó phát triển.

 

Một DN ươm tạo giới thiệu sản phẩm. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu dự hội thảo “Hiện trạng và một số giải pháp phát triển các cơ sở ươm tạo Việt Nam" do Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM tổ chức ngày 7/9.

Vườn ươm (hay trung tâm ươm tạo) đều là tổ chức ươm tạo doanh nghiệp (DN), thực hiện chức năng hỗ trợ DN hoàn thiện và phát triển.

Ở nước ta, khái niệm vườn ươm còn khá mới mẻ dù cũng có một số mô hình vườn ươm hoặc một số tổ chức có chức năng như vườn ươm đã được xây dựng và phát triển (vườn ươm DN công nghệ cao Hòa Lạc - Khu công nghệ cao Hòa Lạc, vườn ươm DN công nghệ cao TPHCM, vườn ươm DN phần mềm Quang Trung…).

Gần đây, đã xuất hiện khá nhiều vườn ươm ở các địa phương như vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc tại Cần Thơ, vườn ươm DN Đà Nẵng, Sóc Trăng…

TS. Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM cho rằng, hiện nay, các vườn ươm, cơ sở ươm tạo đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, đó là khung pháp lý còn sơ khai, phạm vi điều chỉnh còn hẹp và chậm được ban hành. Nguồn vốn tài trợ từ ngân sách Nhà nước, địa phương cho thành lập và hoạt động của nhiều cơ sở ươm tạo hoạt động không vì lợi nhuận còn rất ít, chủ yếu dành cho mặt bằng và cơ sở nhà xưởng.

Thêm nữa, các dự án khởi nghiệp tại các vườn ươm rất cần sự tham gia đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng chưa có văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư mạo hiểm; chưa có cơ chế ưu đãi trong thành lập mới các quỹ đầu tư mạo hiểm và thu hút các quỹ đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực công nghệ.

Theo TS. Nguyễn Hải An, để các vườn ươm phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho các dự án khởi nghiệp được thành công và phát triển, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ để phát triển loại hình này.

Cụ thể, cần xây dựng khung pháp lý và chính sách về thành lập, vận hành cơ sở ươm tạo; ưu tiên phát triển một số loại hình cơ sở ươm tạo; hình thức pháp lý của cơ sở ươm tạo được  thành lập dưới một trong các dạng sau: Tổ chức sự nghiệp có thu, công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần…

Xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi đối với cán bộ quản lý và vận hành cơ sở ươm tạo.

Cùng với đó, đẩy mạnh, mở rộng mạng lưới liên kết về các đơn vị tham gia cơ sở ươm tạo; lồng ghép có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế tư nhân, DN với các chương trình phát triển cơ sở ươm tạo. Nhà nước cũng cần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, một trong các kênh thu hút đầu tư vào các vườn ươm tạo; huy động các nguồn lực đầu tư để tăng hiệu quả hoạt động và vận hành cho các vườn ươm tạo.

Lê Anh

709 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 808
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 808
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87187988