Phát triển toàn diện trẻ em không tách rời với phát triển KT-XH 

(Chinhphu.vn) - Đây là yêu cầu được nêu ra tại Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em, tổ chức sáng 23/11, tại Nhà Quốc hội.

 

Hội nghị về chính sách phát triển toàn diện trẻ em thể hiện quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước dành những gì tốt nhất cho trẻ em. Ảnh: VGP/Đình Nam
Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em cùng hơn 100 đại biểu đến từ các uỷ ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương, địa phương, một số tổ chức quốc tế…
 
Khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ: Với trách nhiệm cao nhất, Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, quy định các hành vi bị cấm, xâm phạm đến quyền trẻ em, quy định rõ nguồn lực bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

Đặc biệt, chúng ta có những quy định rất nhân văn, sự quan tâm đặc biệt đối với đối tượng trẻ em đặc biệt như: Trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, khuyết tật, nhiễm HIV... và đã có những chương trình hành động cụ thể để chống lại việc trẻ em bị bóc lột, bị xâm hại tình dục, bị mua bán, nghiện ma túy hay vi phạm pháp luật. Các quyền của trẻ em từ quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, giữ gìn bản sắc văn hóa và tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tài sản đều được bảo vệ... Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, có trách nhiệm của việc tổ chức thực hiện.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về chính sách phát triển toàn diện trẻ em trong độ tuổi từ 0-8 tuổi. Trong đó chú ý về vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục những kiến thức, hiểu biết cho trẻ, hạn chế tối đa những tiêu cực, nhất là trong môi trường gia đình.
 
Hệ thống pháp lý liên quan đến nhóm vị thành niên (từ 16 đến 17 tuổi), để các em được tạo điều kiện phát triển về tinh thần, thể chất trước khi bước vào tuổi trưởng thành, hạn chế những rủi ro, những yếu tố dễ bị tổn thương, tăng cường kỹ năng thích ứng trong quan hệ và ứng xử để các em đủ sức đối phó với những thông tin nhiều chiều, kể cả nâng cao hiểu biết kiến thức, kỹ năng về sức khỏe, giới tính.
 
Việc lồng ghép các chỉ tiêu về việc thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo đảm tính khả thi, đáp ứng tiến trình hội nhập nhưng cần tuân thủ Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em có hiệu quả.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu tập trung thảo luận về những thách thức, hạn chế và khoảng trống trong thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam. Trước hết là tình trạng một số địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo đúng mức tới lĩnh vực này trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em; chậm xử lý các vụ việc vi phạm quyền trẻ em gây bức xúc dư luận.
 
Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm theo Luật Trẻ em còn chậm và chưa đầy đủ dẫn đến việc tổng hợp thông tin, báo cáo về tình hình trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em chưa kịp thời, bảo đảm chất lượng.
 
Ngân sách bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em tuy tăng hằng năm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, nhất là phần ngân sách địa phương thường xuyên ở mức thấp.
 
Công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về quyền, bổn phận của trẻ em chưa được phổ biến đến chính quyền cấp xã, trẻ em, các gia đinh, cộng đồng dân cư, thành viên các tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội…
 
Nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá cao Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời (0-8 tuổi) tại gia đình và cộng đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ các gia đình tiếp cận dịch vụ tốt cho sức khoẻ và dinh dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nước, vệ sinh, trợ giúp xã hội. Đề án yêu cầu các chuyên gia, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ dể giải quyết nhu cầu toàn diện của trẻ em, tạo ra mạng lưới hỗ trợ liền mạch.
 
Các đại biểu cũng dành sự quan tâm đến thực tế đang thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ cho nhóm đối tượng vị thành niên (từ 16 đến17) tuổi khỏi nguy cơ bị xâm hại, bóc lột. Nội dung này rất cần đề cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong bảo vệ các em.
 
Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tất cả trẻ em đều phải được bảo đảm các dịch vụ xã hội chất lượng, không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Các chính sách, luật pháp, cải cách hành chính cần tính đến câu hỏi “liệu quyết định đó có phải vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em”.
 
“Nhiều bằng chứng cho thấy thành công trong phát triển kinh tế của các quốc gia trong tương lai phụ thuộc không nhỏ và cam kết và đầu tư cho trẻ em. Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ thúc đẩy và giám sát thực thi để đảm bảo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội có bao gồm các mục tiêu, chỉ tiêu liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các mục tiêu phát triển trẻ thơ toàn diện và phát triển vị thành niên để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam”, bà Rana Flowers chia sẻ.
  
Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Đại diện một số bộ ngành đã trao đổi, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết giai đoạn 2011-2020 nhiều chỉ tiêu liên quan đến trẻ em được lồng ghép vào kế hoạch phát trển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, chúng ta chưa có mục tiêu cụ thể, thiếu chỉ tiêu phản ánh các nhóm quyền được bảo vệ và quyền được tham gia của trẻ em, thiếu nguồn lực, chưa có bộ chỉ số đánh giá đầy đủ việc thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến trẻ em…
 
“Chúng ta có nhiều chính sách ban hành tốt nhưng yếu nhất hiện nay là vấn đề thực hiện, đặc biệt trong chỉ đạo điều hành để giải quyết được các vấn đề bức xúc về quyền trẻ em”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nhận xét. Đây là những vấn đề cần được khắc phục khi lồng ghép các chỉ tiêu liên quan đến trẻ em trong chiến lược/kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
 
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng trong thời gian tới cần ưu tiên lĩnh vực bảo vệ và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em. Tập trung vào: Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng quy trình tư pháp thân thiện; rà soát, hoàn thiện chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
 
Các địa phương phải chủ động, kịp thời giải quyết các vấn đề về trẻ em phức tạp, mới phát sinh. 100% xã, phường, thị trấn hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em. Mục tiêu đặt ra là 80-90% cán bộ quản lý, công chức, viên chức làm công tác trẻ em của ngành LĐ-TB&XH, Công an, GD&ĐT được tập huấn chuyên môn. Sử dụng nhiều kênh truyền thông, giáo dục về trách nhiệm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình, cá nhân quy định trong Luật Trẻ em. Tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ đối với việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
 
Bộ LĐ-TB&XH và Bộ VH-TT&DL sẽ chủ trì, phối hợp với các địa phương lập quy hoạch, xây dựng, nâng cấp các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thiết chế vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện các bộ chỉ số đánh giá, giám sát thực hiện quyền trẻ em; thúc đẩy các mô hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em, nhất là trong quá trình xây dựng, triển khai các chính sách về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

 

Đình Nam
410 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1099
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1099
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87162522