Sản phẩm cá tra được chế biến đa dạng, trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ. (Ảnh: HNV)

Thông tin này được đưa ra thảo luận tích cực, sôi nổi tại Hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nội địa” diễn ra ngày 7/10. Hội thảo do Tổng cục Thủy sản, Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ "Cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam 2017".

Được biết, để thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, Hội thảo được tổ chức lần này nhằm cung cấp thông tin cần thiết để doanh nghiệp xác lập kế hoạch phát triển để sản xuất trong tương lai.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức cho biết, mức tiêu thụ sản phẩm thủy sản theo đầu người của Việt Nam tăng trưởng hàng năm, năm 2016 đạt khoảng 27kg/người. Trong thời gian tới, khi người dân có mức thu nhập cao hơn, dân số ở nông thôn thay đổi, số người thành thị và có mức thu nhập cao hơn tăng lên, sản phẩm thủy sản tiêu thụ sẽ càng ngày đòi hỏi có chất lượng và giá trị cao hơn. Dự báo mức tiêu thụ thủy sản tại thị trường trong nước sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Mức tiêu dùng thủy sản bình quân trên đầu người Việt Nam năm 2020 có khả năng đạt 28-30kg/đầu người/năm.

Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ "Cá tra và các sản phẩm thủy sản 2017". (Ảnh: HNV)

Chế biến và phát triển thương mại thủy sản đang phát triển nhanh và tự khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Giá trị xuất khẩu luôn đứng đầu trong các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam (23-25%) và đứng thứ tư các nước có số lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất toàn thế giới. Năm 2016, xuất khẩu thủy sản đạt 7,05 tỷ USD và với tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 7-10%/năm, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu ra 164 nước và vùng lãnh thổ.

Lĩnh vực chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa đã phát triển nhanh chóng. Ngoài 567 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp hàng xuất khẩu còn có khoảng gần 4.000 cơ sở chế biển nhỏ, hộ gia đình, các làng nghề thủy sản với năng suất khoảng 500.000 tấn/năm với giá trị trên 15.000 tỷ đồng và sử dụng đến 40.000 lao động. Tuy giá trị và vị thế chưa cao so với xuất khẩu nhưng sản phẩm thủy sản truyền thống đã góp phần làm phong phú nguồn thực phẩm cho trên 92 triệu dân và bình ổn giá thực phẩm của thị trường trong nước. Ngoài ra, tiêu thụ thủy sản nội địa đã góp phần ổn định sản xuất thủy sản nói chung khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa và đặc điểm, nhu cầu của thị trường chưa được nghiên cứu đầy đủ và vẫn còn một số vấn đề cần đặt ra, đó là: việc quản lý và theo dõi lĩnh vực chế biến thủy sản cung cấp cho thị trường tiêu thụ nội địa cần được Nhà nước điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn, xây dựng các cơ chế khuyến khích phát triển để hỗ trợ cơ sở chế biến và phân phối, lưu thông sản phẩm thủy sản như: mặt bằng sản xuất, vốn kinh doanh, lao động, môi trường, phí vận tải, chợ đầu mối, chợ bán lẻ, siêu thị, xây dựng thương hiệu và quản lý sản phẩm…; không ngừng tạo lập các sản phẩm chất lượng cao, không ngừng tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm, mang lại lợi ích thỏa đáng cho tất cả các khâu tham gia trong chuỗi giá trị liên kết, tăng cường thông tin, tuyên truyền, quáng bá tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm, kiểm soát chất lượng sản phẩm bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Cùng trao đổi, thảo luận về thị trường nội địa và vấn đề tiêu thụ thủy sản, trong đó có cá tra, các đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức mà nổi bật nhất là thói quen tiêu dùng thích hàng tươi sống thay vì dùng hàng chế biến sẵn, hàng đông lạnh và tâm lý tiêu dùng sính ngoại của người dân. Bên cạnh đó là hạn chế ở việc tiếp cận các cơ chế, chính sách của Chính phủ về khuyến khích đầu tư; việc quản lý, giám sát còn chồng chéo. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế. Chất lượng sản phẩm còn thấp, thiếu ổn định. Cạnh tranh về nguồn nguyên liệu.

Do đó, để phát triển được thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều thống nhất cao rằng, việc thay đổi thị hiếu tiêu dùng của người dân là vấn đề rất quan trọng. Điều này sẽ có ý nghĩa trong kích thích tiêu dùng, cũng như tạo điều kiện về kinh doanh, qua đó thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến. Đặc biệt, truyền thông mạnh mẽ hơn về giá trị dinh dưỡng của thủy sản, nhất là con cá tra để thị trường trong nước từng bước tiếp cận và tiêu thụ mạnh mẽ. Với gần 100 triệu dân, thị trường nội địa là “mảnh đất” rất tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác, phát triển./.

Hà Anh