|
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: N.H) |
Ngày 11/3, Vụ Thanh toán NHNN, phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam”.
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có nhiệm vụ phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, cung ứng các dịch vụ gia tăng khác; tập trung triển khai hoàn thành chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ, gia tăng dịch vụ, tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 để đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán (trong đó có dịch vụ thẻ ngân hàng) trên nền tảng số hóa, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.
Theo thống kê, đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT), phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng thời gian qua, các TCPHT đã chủ động, sáng tạo nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó có thẻ nội địa là một điểm sáng. Nỗ lực này của TCPHT nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân và giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT), chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp...
Theo đó, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa góp phần giảm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên (miễn phí hoặc có mức phí cạnh tranh so với dòng thẻ quốc tế…). Đặc biệt là cung cấp thêm lựa chọn thanh toán cho thị trường với chi phí chấp nhận thanh toán có thể “rẻ hơn” cho đơn vị chấp nhận thẻ. Lợi ích chi phí như trên là cơ sở để các TCPHT, tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) có thể nghiên cứu, xây dựng các chương trình ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng, thu hút hơn nữa khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.
Phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các TCPHT, TCTTT tại Việt Nam. Ông Tuyên kỳ vọng từ thành công của việc phát triển thẻ tín dụng nội địa từ một số thị trường quốc tế như Ấn Độ (với thẻ nội địa mang thương hiệu RUPAY), Hàn Quốc (thẻ BC Card),… sẽ là niềm cảm hứng cho các TCPHT tại Việt Nam. Từ đó, TCPHT sẽ có hướng đi đúng đắn, chiến lược bài bản, cách phát triển phù hợp với thực tế, điều kiện thị trường trong nước để phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam hiệu quả, bền vững, đem lại lợi ích thiết thực, giá trị mới cho người dân và doanh nghiệp. Mặc dù tiềm năng và thực sự hữu ích nhưng thẻ tín dụng nội địa hiện nay vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người dân và chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa được coi là giải pháp cần thiết trong thời gian tới.
Phó Thống đốc đề nghị, trong thời gian tới, các TCPHT và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa cụ thể như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.
Hai là, tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.
Ba là, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia; tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Các đơn vị phát hành thẻ và NAPAS chú ý đến bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt./.