Phát triển sinh kế để giảm nghèo bền vững 

(Chinhphu.vn) – Việt Nam là một trong 30 nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều để thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2020 công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực nhưng với những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong thời gian tới, công tác giảm nghèo đòi hỏi có những bước đi cụ thể hơn.
 
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Lê Văn Thanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ xung quanh vấn đề này.

Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Chương trình giảm nghèo 2016-2020 của Việt Nam chúng ta đạt nhiều kết quả tích cực. Trước hết chúng ta đạt và vượt rất nhiều mục tiêu mà Quốc hội đã giao như tỉ lệ giảm nghèo từ 9,8% năm 2015 đến cuối 2019 còn 3,75%. Dự kiến đến cuối năm 2020 còn dưới 3%. Trong khi Quốc hội giao cho chúng ta mỗi năm giảm nghèo từ 1 đến 1,5% và các tỉnh miền núi huyện nghèo là 4% thì chúng ta đã đạt được.

Thứ hai là chúng ta đã áp dụng chuẩn nghèo đa chiều. Ngoài chiều về thu nhập chúng ta còn có 5 chiều về dịch vụ cơ bản với 10 chỉ số khác nhau. Trong đấy có một số chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Nước ta là 1 trong 30 nước đã áp dụng chuẩn nghèo đa chiều này. 

Bên cạnh đó chúng ta có những chính sách giảm nghèo rất toàn diện. Hỗ trợ cho người dân từ bảo hiểm y tế, đi học, nhà ở, việc làm, giáo dục nghề nghiệp… Rất nhiều các chính sách của chúng ta giúp người dân thoát nghèo toàn diện hơn.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, vận động, chương trình cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau tiếp tục phát huy vai hiệu quả giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu "kép", vừa thoát nghèo vừa ứng phó với biến đổi khí hậu?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Với mục tiêu "kép" vừa thoát nghèo vừa ứng phó với biến đổi khí hậu như lũ lụt thiên tai, trước hết chúng ta phải giúp cho người dân có sinh kế phát triển sản xuất, phát triển sản xuất ở đây không phải ồ ạt mà phát triển sản xuất phải đảm bảo bền vững, đảm bảo việc làm xanh, môi trường xanh.

Bên cạnh đó, lũ lụt biến đổi khí hậu vô cùng lớn thì trước hết bản thân Nhà nước phải có dự báo, cảnh báo để làm sao giảm thấp nhất tổn do thất thiên tai và đồng thời giúp người dân có kiến thức trong việc phòng chống thiên tai.

Đặc biệt, lũ lụt miền Trung vừa qua thực sự là thiên tai chồng thiên tai, lũ chồng lũ, bão chồng bão nên chúng ta có bài học kinh nghiệm lớn ở chỗ này, làm sao giúp cho người dân có kiến thức trong việc phòng chống bão, lũ, thiên tai cũng như cứu hộ cứu nạn, đảm bảo hiệu quả nhất.

Nhiều mô hình sản xuất tiên tiến các nước trên thế giới đã được các bạn trẻ học tập và áp dụng thành công tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

 

Trong quá trình thực hiện các chính sách về giảm nghèo vừa qua, ông nhìn nhận thế nào về phương thức giảm nghèo thông qua xuất khẩu lao động?

Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Có rất nhiều phương thức lao động, sản xuất giúp người dân thoát nghèo trong thời gian qua nhưng việc đưa một số lao động trẻ ra nước ngoài học tập và làm việc đã thu được nhiều lợi ích thiết thực.

Đưa lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cho người lao động. Đây cũng là dịp để chúng ta nâng cao tay nghề cho người lao động, đặc biệt là tác phong lao động làm việc trong khu công nghiệp hiện đại tiên tiến. 

Thời gian vừa qua, người lao động Việt Nam ở nước ngoài đã làm rất tốt việc này và người lao động sau một một thời gian làm việc, theo quy định của nước tiếp nhận lao động thì họ sẽ về nước. Số lao động về nước rất quý, bổ sung vào lực lượng lao động của Việt Nam. Trước hết họ là lao động có trình độ tiên tiến hơn, tác phong công nghiệp tốt hơn và họ quay về nước sẽ hoà nhập vào lực lượng lao động của nước ta.

Người có thu nhập tốt họ có thể tự thành lập doanh nghiệp họ kinh doanh, một số nơi họ góp vốn vào các doanh nghiệp, một số có ngoại ngữ tốt thì làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, FDI hoặc công ty có trình độ cao. Số còn lại thì nhập vào thị trường lao động Việt Nam.

Hiện nay chúng ta có chính sách khuyến khích cho họ làm việc. Đồng thời các trung tâm dịch vụ việc làm cập nhật thông tin của họ để đưa vào thị trường việc làm để các doanh nghiệp biết để tuyển chọn. Sắp tới thị trường việc làm sẽ phát triển hơn. 

Tới đây Bộ LĐTB&XH cũng có chủ trương phát triển thị trường việc làm thông suốt hơn trên môi trường mạng, tức là áp dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu cho người lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu cho doanh nghiệp để doanh nghiệp và người lao động gặp nhau dễ dàng hơn, cho đến việc giải quyết việc làm tốt hơn, đáp ứng nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

238 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 716
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 718
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77543764