Phát triển sản xuất thông minh: Cần tháo gỡ nhiều vấn đề 

(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp thông minh - Industry 4.0 Summit 2018, Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ” đã diễn ra với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam.

 

Ông chia sẻ, các nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội. Do đó, nguồn lao động giá rẻ đang mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hóa, robot hóa đòi hỏi phải có chính sách bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới. Các hoạt động tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bằng những nguồn vật liệu tổng hợp mới. Những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo đang nhanh chóng làm giảm giá thành, từ đó giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

 

“Sản xuất thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp”, ông Cao Đức Phát nói.

 

Phó Trưởng ban Kinh tế Cao Đức Phát cho rằng: Hiện vẫn có nhiều vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

 

Cần có phân tích đánh giá những tiềm năng lợi thế của nền công nghiệp 4.0 và xu hướng công nghệ mới; phân tích, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong việc triển khai công nghiệp 4.0 để vận hành nhà máy thông minh, nhà máy số, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất kinh doanh; trao đổi về vấn đề quản trị rủi ro khi hầu hết các khâu của quá trình sản xuất đều được tự động hóa...

 

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Nhà nước Việt Nam, các doanh nghiệp và mọi công dân cần phải có những đổi mới mạnh mẽ. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng “Chính sách Công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các Chỉ thị, Nghị quyết đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc “Xây dựng và thực hiện Chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam”.

 

 

Nhiều công nghệ sản xuất thông minh được giới thiệu tại khuôn khổ Diễn đàn. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Các đại biểu dự hội thảo tập trung đánh giá thực trạng và mức độ sẵn sàng tiếp cận và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng, những vấn đề về thể chế, chính sách cần được tháo gỡ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Hội thảo cũng đã nhận được sự chia sẻ thiết thực từ các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trên thế giới trong việc triển khai công nghiệp 4.0; việc xây dựng, quản lý và vận hành những mô hình nhà máy số, nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng suất lao động và khả năng, cạnh tranh, tối ưu hóa vận hành và tối ưu hóa lợi nhuận.

 
 

Theo các đại biểu, công nghệ thông tin và truyền thông cùng những xu hướng mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra những thách thức và cơ hội cho các nhà quản trị doanh nghiệp. Nhiều giải pháp quản trị rủi ro và quản lý tuân thủ quy định nhằm giám sát, rà soát và đánh giá, kiểm soát rủi ro trong nhiều bộ phận nghiệp vụ, bảo đảm tính liên tục trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được triển khai, tạo ra khung giải pháp quản lý rủi ro đa lớp mạnh mẽ, ổn định.

 

Hội thảo cũng được nghe các chuyên gia phân tích, đánh giá những cơ hội và thách thức để khai thác tiềm năng của nền công nghiệp 4.0; vấn đề quản trị rủi ro trong phát triển giải pháp thông minh. Nhân dịp này, các diễn giả đã đối thoại, trả lời những câu hỏi của các đại biểu về những vấn đề trong quá trình triển khai áp dụng công nghệ 4.0 và kiến nghị một số chính sách đối với việc phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

 

Được biết, các ý kiến tại hội thảo là thông tin hữu ích giúp các cơ quan tham mưu, quản lý của Đảng, Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về ứng dụng hệ thống sản xuất thông minh, những công nghệ số hóa, nhằm nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp...

 

Anh Minh

441 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 629
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 629
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88305698