Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Chiều 24/10, tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đánh giá kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 khu vực phía Bắc”.

Dự thảo của Cục Chăn nuôi cho thấy, sau 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi (tại Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ), chăn nuôi Việt Nam thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn. Năm 2018, sản lượng thịt các loại đạt trên 5,3 triệu tấn, tương đương 220 - 230 nghìn tỷ đồng; riêng giá trị ngành hàng thịt lợn đã ngang bằng với ngành lúa gạo. Trứng đạt trên 11,5 tỷ quả và sữa tươi nguyên liệu đạt trên 960.000 tấn. Doanh số ngành thức ăn công nghiệp hàng năm đạt gần 20 triệu tấn.

Chăn nuôi chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp, chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng. Đồng thời, đã hình thành nhiều ngành công nghiệp nền tảng cho phát triển chăn nuôi thời gian qua và những năm tiếp sau. Trong đó, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến sữa đứng đầu trong các nước ASEAN; công nghiệp chuồng trại, nhân giống phát triển góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi.

Đặc biệt, ngành chăn nuôi đã thu hút khối lượng lớn nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư phát triển, nhất là khu vực đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực con giống và thuốc thú y cũng đang thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới vào Việt Nam. Có thể khẳng định trong nông nghiệp hiện nay, chăn nuôi là lĩnh vực thu hút đầu tư xã hội lớn nhất, trọng điểm là lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, chiếm trên 99% vốn đầu tư của tư nhân.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thực tế, quá trình chỉ đạo thực hiện Chiến lược vẫn chưa quán triệt đầy đủ các nội dung. Tại nhiều cơ quan, địa phương, việc tổ chức triển khai còn mang tính chất đối phó, hình thức.

Đáng chú ý là vấn đề quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y còn tồn tại nhiều bất cập; đồng thời chưa thu hút được các thành phần xã hội liên quan làm tốt những khâu mà chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi của nước ta đang còn yếu. Đơn cử như: sản xuất con giống, tổ chức chuỗi liên kết, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đầu tư sản xuất vắc xin, giết mổ chế biến và kết nối thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Tại Hội thảo, góp ý cho đánh giá kết quả thực hiện chiến lược, đại diện của Thành phố Hà Nội cho rằng, cần đánh giá thêm về vai trò của doanh nghiệp, tổng kết những kết quả, thành công của các doanh nghiệp chăn nuôi trong thời gian qua. Đồng thời, cần chú ý tới công tác nhân lực của hệ thống thú y nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tham mưu, chỉ đạo. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển chăn nuôi sắp tới, cần có phần riêng về phát triển giống - yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế.

Cục Chăn nuôi cho biết, giai đoạn 2020 - 2030, ngành chăn nuôi định hướng phát triển các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi gắn với tiềm năng, lợi thế so sánh và thích ứng với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, chỉ ra được các nhóm sản phẩm quốc gia, sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Bên cạnh đó, đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ chăn nuôi theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản và đẩy mạnh các nghiên cứu chuyển giao, xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong chăn nuôi. Mặt khác, kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai khẩn trương và hiệu quả công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh nhằm phục vụ phát triển chăn nuôi, nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu./.

BT