Phát triển rừng: Cần chính sách để “kích hoạt” ý tưởng và nỗ lực 

(Chinhphu.vn) - Rừng có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng phân bố ở nơi khó khăn, phức tạp, ở nơi nguồn lực của người dân, cộng đồng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, điều quan trọng là việc hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng cần được xác định đúng cách để “kích hoạt” ý tưởng và khơi dậy nỗ lực của người dân.
 
GS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Đây là quan điểm của GS. Phạm Văn Điển, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về việc xây dựng chính sách hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng thời gian tới.

Thưa ông, hiện tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng để bảo đảm nguồn lực tài chính, nâng mức hỗ trợ tương ứng cho bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng đang được phân loại như thế nào?

GS. Phạm Văn Điển: Việc nâng cao hiệu quả đầu tư, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thường xuyên quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Căn cứ mục đích sử dụng, rừng Việt Nam được phân thành ba loại: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Căn cứ tình trạng của rừng, như nguồn gốc hình thành, điều kiện lập địa, loài cây, trữ lượng, rừng được phân chia thành các loại khác nhau. Chẳng hạn, với tiêu chí là nguồn gốc hình thành, rừng được phân chia thành rừng tự nhiên và rừng trồng. Với tiêu chí là trữ lượng rừng, rừng tự nhiên lại được chia thành rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng. Nhiều quy phạm kỹ thuật trước đây, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật hiện nay còn phân chia tiềm năng phục hồi rừng, phân vùng trọng điểm cháy rừng.

Các quy hoạch về rừng cũng xác định rõ ranh giới các loại rừng và giải pháp quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng ở các quy mô khác nhau, như toàn quốc, vùng, tỉnh, tiểu khu, khoảnh, lô. Trên cơ sở định hướng mục tiêu, nhiệm vụ quản lý và sử dụng rừng sẽ đề xuất các giải pháp tác động tương ứng với từng loại rừng ở từng khu vực nhất định, từ đó xác lập dự toán kinh phí phù hợp với mục đích sử dụng và tình trạng của rừng trong giai đoạn cụ thể và theo phạm vi không gian nhất định.

Ông có thể nêu cụ thể các tiêu chí này đang được thực hiện như thế nào để tạo động lực khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo, bảo đảm coi rừng thực sự là một nghề?

GS. Phạm Văn Điển: Có thể nêu một số ví dụ. Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ cho bảo vệ rừng đặc dụng là 100 nghìn đồng/ha, hỗ trợ trồng rừng đặc dụng, phòng hộ 30 triệu đồng/ha, hỗ trợ trồng rừng sản xuất gỗ nhỏ 5 triệu đồng/ha, trồng rừng gỗ lớn 8 triệu đồng/ha. Đối với rừng tự nhiên nghèo, áp dụng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha/6 năm; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, hỗ trợ tối đa 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 0,6 triệu đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ cũng quy định rõ việc áp dụng hệ số K để tính toán mức chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đó, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng phụ thuộc vào trữ lượng rừng, mục đích sử dụng rừng, nguồn gốc hình thành rừng và mức độ khó khăn của địa phương nơi có khu rừng phân bố.

Gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, trong đó có các tiêu chí: Diện tích đất tự nhiên, tỉ lệ che phủ rừng.

Hiệu quả hỗ trợ phát triển rừng không chỉ do mức hỗ trợ quyết định mà điều quan trọng là sự hỗ trợ thôi thúc được quyết tâm cho người bảo vệ rừng - Ảnh minh họa

 

Chúng ta đã có Nghị định số 75 ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua thực tiễn 5 năm thực hiện các chính sách theo Nghị định số 75 nhận thấy đối với sáu nhóm chính sách hỗ trợ đã đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức hỗ trợ còn thấp, chưa thực sự thu hút được các hộ dân và cộng đồng tham gia. Quan điểm của ông như thế nào?

GS. Phạm Văn Điển: Theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm; Hỗ trợ trồng bổ sung (trong khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên), tối đa không quá 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo. Đối với trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, mức hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công bằng tiền đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ tùy theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng theo thiết kế - dự toán.

Mức hỗ trợ như trên bằng khoảng 15-30% chi phí thực tế phục hồi rừng. Trường hợp cần thiết, nông hộ có thể vay 15 triệu đồng/ha để trồng rừng, vay tối đa trong 20 năm, với lãi suất 1,2%/năm. Như vậy, mức hỗ trợ (cả hỗ trợ không hoàn lại và hỗ trợ bằng hình thức cho vay lãi suất thấp) có thể trang trải trên 60%, thậm chí gần 100% chi phí trồng rừng ở nhiều nơi.

Rừng có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng phân bố ở nơi khó khăn, phức tạp, ở nơi nguồn lực của người dân, cộng đồng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, điều quan trọng là việc hỗ trợ cho bảo vệ và phát triển rừng cần được xác định đúng cách để kích hoạt ý tưởng và khơi dậy nỗ lực của người dân. Sự hỗ trợ là cần thiết, nhưng hiệu quả hỗ trợ không chỉ do mức hỗ trợ quyết định mà điều quan trọng là sự hỗ trợ thôi thúc được quyết tâm và tìm ra lợi thế, giúp mở ra phương hướng đúng trong việc gắn kết bảo vệ, phát triển rừng với cải thiện sinh kế hoặc khởi nghiệp và phát triển kinh tế rừng.

Ông có thể lý giải rõ hơn về quan điểm xây dựng chính sách hỗ trợ việc bảo vệ phát triển rừng này không?

GS. Phạm Văn Điển: Rừng có thể được phục hồi bằng cách bảo vệ, khoanh nuôi, trồng bổ sung hoặc trồng lại. Chi phí phục hồi rừng rất khác nhau tùy theo mục tiêu sử dụng rừng và tình trạng khởi đầu của nó. Nếu rừng bị suy thoái, đất không có rừng để lâu ngày, trong thiên nhiên nhiệt đới nắng hạn, mưa lũ, bão lốc, địa hình dốc, chi phí phục hồi rừng sẽ cao và trong nhiều trường hợp khó đạt chất lượng, hiệu quả như mong muốn.

Vì vậy, sự kích hoạt bằng những chính sách đúng lúc, đúng đối tượng, bằng phương thức phù hợp sẽ quyết định hiệu quả của sự hỗ trợ. Điều này có nghĩa là, nhu cầu hỗ trợ không chỉ tính bằng tiền mà còn tính trên lực đẩy phát triển và hiệu quả nội sinh của nó. Các chính sách cần linh hoạt, đa dạng dựa trên nhu cầu thực tế và có tiêu điểm là xúc tác cho quá trình vượt khó vươn lên của người dân và cộng đồng, hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng, vừa thúc đẩy họ huy động "tài sản sinh kế", vừa phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của nhà nước trong từng giai đoạn, vừa được các doanh nghiệp quan tâm, tạo ra từ những sản phẩm thu được từ quản lý rừng bền vững, đồng thời là đầu vào của chuỗi những hoạt động chế biến được thị trường chấp nhận, có giá trị, hiệu quả kinh tế cao sẽ là những chính sách đi vào cuộc sống.

Những chính sách như vậy đang được chúng tôi tiếp tục hoàn thiện, tham mưu Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ban hành, áp dụng trong thời gian tới.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đỗ Hương (thực hiện)

638 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1001
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1001
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87089501