Phát triển nông nghiệp thông minh bền vững 

(Chinhphu.vn) – Nông nghiệp thông minh được phát triển trên nền tảng của nông nghiệp công nghệ cao. Hiện, Việt Nam đã có những nền tảng cơ bản để phát triển nông nghiệp thông minh với các giải pháp IoT (Internet vạn vật) với các nhà cung cấp như Tập đoàn Viettel, Công ty cổ phần dịch vụ công nghệ IoT – IoT Group, Tập đoàn FPT…

 

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại Hội thảo chuyên đề “Tầm nhìn giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững” thuộc Chương trình Diễn đàn cấp cao tầm nhìn chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được  tổ chức tại Hà Nội, bức tranh chung về nông nghiệp thông minh tại Việt Nam đã được phác thảo rõ nét hơn.

Với định hướng đưa công nghệ cao, công nghệ sạch để phát triển bền vững, ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH cho biết, TH đã áp dụng hệ thống phần mềm "Quản lý đàn" của Isreal để quản lý sức khỏe đàn bò, chất lượng, sản lượng, thành phần sữa. Cùng hệ thống vắt sữa tự động, hiện đại với quy trình vệ sinh vắt sữa hoàn hảo, sữa được kiểm soát ngay từ đầu.

Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, TH cũng đang áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt. Hầu hết các khâu đều được cơ giới hóa, hiện đại hóa để tiết giảm chi phí, bảo đảm chất lượng tốt, đồng đều.

Từ những dự án công nghệ cao của Tập đoàn TH, ông Ngô Minh Hải cho rằng, các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đều gắn với vùng nguyên liệu, tới đất đai và hợp tác với nông dân. Tuy nhiên vấn đề đất đai và hợp tác với nông dân vẫn là vấn đề nóng. Để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hóa chúng ta cần xây dựng cơ chế để chính quyền, doanh nghiệp và người dân trở thành một mối quan hệ bền chặt, các bên đều có lợi, đưa người nông dân tham gia trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất khép kín ứng dụng công nghệ cao để tạo việc làm cho người dân địa phương và phát huy lợi thế vùng miền.

Các địa phương khi chấp nhận và phê duyệt các dự án đầu tư cần đảm bảo quỹ đất và bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp. Có cơ chế khuyến khích, “lôi kéo” doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao để phát huy lợi thế của đất, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững, ông Ngô Minh Hải kiến nghị.

Nhìn từ kinh nghiệm của Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nông nghiệp ứng dụng công nghệ chưa hẳn là nông nghiệp thông minh, nhưng nông nghiệp thông minh phải dựa trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là vấn đề cốt lõi để nhận diện nông nghiệp thông minh từ đó có cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả.

Trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc và phải tiếp cận nhanh song không nóng vội chạy theo phong trào. Quá trình phát triển cần theo phương châm: “đi ngay, đi nhanh và đi chính xác cây trồng, vật nuôi, công nghệ phù hợp, mục tiêu lấy hiệu quả làm chính”, phấn đấu đến năm 2020 có mô hình nông nghiệp thông minh 4.0.

Theo ông Phạm S, các trường đại học cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu thế thời đại phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0. Các viện nghiên cứu cần có chiến lược nghiên cứu phần mềm và phần cứng ứng dụng giải pháp IoT, tạo ra các công nghệ mới có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp thông minh 4.0.

Các địa phương cũng cần đào tạo nguồn nhân lực toàn diện cho các đối tượng trực tiếp tham gia nông nghiệp 4.0 bao gồm: nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân. Đồng thời, có chính sách khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển có chọn lọc, hiệu quả nhất.

Đỗ Hương

589 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 473
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 473
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87586399