Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Quảng Trị 

(ĐCSVN) - Để phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), Quảng Trị sẽ tập trung một số giải pháp như: Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp CNC ưu tiên xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích, địa điểm, loại công nghệ áp dụng…

 

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là xu thế tất yếu nhằm tạo ra những đột phá mới nhằm đảm bảo nông nghiệp tăng trưởng ổn định với năng suất, chất lượng, sản lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cao.

Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn

Trên cơ sở phát huy các kết quả đạt được của giai đoạn 2010-2015, tỉnh Quảng Trị xác định khoa học công nghệ là yếu tố then chốt giai đoạn 2016-2020, quyết định việc chuyển đổi sản xuất từ chiều rộng sang chiều rộng kết hợp với chiều sâu; chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, CNC vào sản xuất, tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Từ khi có Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND về quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, nhiều vùng chuyên canh cây trồng gắn với hệ thống các nhà máy/cơ sở chế biến đã hình thành tại tỉnh thuần nông này như: cây cao su (khoảng 20.000 ha) gắn với 7 nhà máy chế biến mủ cao su; cây hồ tiêu (2.500 ha), cây cà phê (5.500 ha) gắn với 14 nhà máy chế biến ướt, cây sắn (11.000 ha) gắn với 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn…

Theo ThS. Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Quảng Trị, nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị quy mô lớn lần đầu được triển khai mang lại hiệu quả tích cực: ký hợp đồng với Công ty cổ phẩn thực phẩm Đồng Giao phát triển vùng nguyên liệu dứa với mục tiêu đến năm 2020 đạt 1.000 ha để xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tại Quảng Trị (năm 2017 trồng mới được gần 150 ha); ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Obi - Ong biển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Các hợp tác xã nông nghiệp như Nguyên Khang - Hải Lăng garden (huyện Hải Lăng), Trường Sơn (huyện Vĩnh Linh)… đã mạnh dạn đầu tư các công nghệ nhà màng, tưới tiết kiệm, thủy canh để sản xuất dưa lưới, rau xà lách, dưa hấu.

 

Nhà kính trồng rau và dưa lưới theo mô hình thủy canh luân hồi cùng hệ thống phun tưới tự động của hợp tác xã
nông nghiệp Nguyên Khang - Hải Lăng garden. (Ảnh: d-agrotech.com.vn)

Với đa dạng về điều kiện địa hình, đất đai, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau nên tại Quảng Trị thích hợp cho phát triển nông nghiệp, có nhiều loại cây trồng, con nuôi mang tính đặc sản vùng miền, có tính hàng hóa và có khả năng cạnh tranh cao như: cà phê Arabica, cao su, hồ tiêu, cây dược liệu, tôm sú, tôm thẻ chân trắng... Ngoài ra, Quảng Trị là một trong số ít các địa phương có quỹ đất sạch, đặc biệt là đất ven biển với diện tích lớn, độ tập trung cao, hầu như không có tranh chấp, chi phí giải tỏa đền bù thấp nên có đủ điều kiện để đáp ứng các dự án đầu tư có quy mô lớn.

Thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Trị cho thấy, bên cạnh phát triển các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (CNC), tỉnh còn tập trung thu hút liên kết với các doanh nghiệp/nhà đầu tư để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, điển hình là phát triển thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Nhờ có cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn, theo dõi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đến nay đã liên kết sản xuất với quy mô 250 ha với tổng sản lượng gần 900 tấn. Đây là mô hình hoàn toàn không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn cho năng suất xấp xỉ sản xuất đại trà, toàn bộ sản phẩm được thu mua và trả tiền mặt ngay tại ruộng.

Mỗi hecta canh tác lúa hữu cơ có lãi 26-38 triệu đồng/vụ cao gần gấp đôi so với sản xuất lúa đại trà. Bên cạnh đó, gạo hữu cơ Quảng Trị mặc dù mới chỉ có mặt trên thị trường trong thời gian ngắn nhưng đã trở thành thương hiệu mạnh, có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như 7 Eleven, everfresh...

Mô hình giúp nâng cao nhận thức của người nông dân về canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, tập tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Điển hình như vụ Hè Thu 2017, mặc dù sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh chịu nhiều bất lợi do thiên tai và dịch bệnh (rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen), nhưng 100% diện tích mô hình không nhiễm bệnh lùn sọc đen; năng suất lúa mô hình tương đương ruộng đại trà.

Phát huy lợi thế sẵn có

Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành như: Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 20/4/2017 về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết 03/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 về việc hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Cùng với đó, địa phương có tiềm năng đất đai, lao động dồi dào, nhiều vùng sinh thái phù hợp để xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất;

Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch vùng nên các địa phương đang lúng túng trong quá trình thực hiện; việc xây dựng các mô hình đôi khi còn thiếu việc cân nhắc kỹ giữa lợi ích và chi phí do rủi ro, nhất là tại các địa bàn thường xuyên chịu tác động của thiên tai.

Việc tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào doanh nghiệp. Hầu hết các mô hình nhà kính vẫn chưa có đầu ra ổn định; việc lựa chọn phương thức, công nghệ xây dựng nhà kính khác nhau, chưa có mô hình chuẩn cho từng vùng sinh thái; chưa xác định được bộ cây trồng, vật nuôi chủ lực nên sản lượng thấp, chưa đồng đều, khó kết nối thị trường

Đặc biệt, vốn đầu tư cho nông nghiệp CNC tương đối lớn, trong khi Quảng Trị là tỉnh nghèo nên chính sách hỗ trợ còn hạn chế, hoạt động đầu tư chưa tập trung; các mô hình sản xuất hiệu quả thiếu nguồn kinh phí để nhân rộng; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu nên nhiều hộ nông dân, đặc biệt doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Ưu tiên sản phẩm cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh

Để phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, thời gian tới, Quảng Trị sẽ tập trung một số giải pháp như: Xây dựng quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp CNC ưu tiên xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi, quy mô diện tích, địa điểm, loại công nghệ áp dụng… phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, từng địa phương.Việc quy hoạch mang tính chất lâu dài cho giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng với hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng tại các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, các địa phương, đơn vị cần chủ động rà soát quy hoạch đất, lựa chọn các quỹ đất sạch, kêu gọi, tìm kiếm, lồng ghép các nguồn lực khác nhau để hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhằm phục vụ sản xuất.

Bên cạnh xây dựng mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp cho từng địa phương, vùng sinh thái, đối tượng sản xuất, tránh sao chép công nghệ mà nơi khác đã làm, địa phương còn chú trọng khâu chọn tạo giống và bảo quản, chế biến sản phẩm sau thu hoạch.

Việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp đòi hỏi một lực lượng lớn lao động trẻ có khả năng tiếp thu và phát huy tốt nhất vào sản xuất. Do đó, các chương trình đào tạo cần tập trung vào việc nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời hợp tác với các tổ chức/doanh nghiệp/tập đoàn lớn để đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi mới.

Sản phẩm tại các vùng sản xuất ứng dụng nông nghiệp CNC phải được chứng nhận theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, An toàn thực phẩm… Trên cơ sở đó, có chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã/tổ hợp tác tham gia hội chợ, triển lãm tổ chức cả trong nước và khu vực để tăng cường quảng bá sản phẩm./.

Anh Tuấn

312 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 701
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 701
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77210454