|
Nông trại trồng ca cao xen cây chuối tại Ea Súp. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Gỡ nút thắt về nước tưới
Ea Súp là huyện nghèo, có điều kiện khí hậu đất đai khắc nghiệt, mùa khô kéo dài, lượng mưa ít nhất ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, là huyện nằm sát biên giới, việc phát triển kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng là vấn đề quan trọng để bảo đảm khu vực phên dậu vững chắc của đất nước.
Với dự án trồng cây ca cao do Công ty Ca cao Intercontinental Coporation (CIC) thực hiện ở Khu Kinh tế quốc phòng (KTQP) Ea Súp, lần đầu công nghệ cao được đưa vào lĩnh vực nông nghiệp ở huyện vùng sâu, vùng xa này và đang đem lại những đổi thay quan trọng cho địa phương.
CIC và các hộ nông dân đã biến điều tưởng chừng như không thể thành có thể ở vùng đất bạc màu, toàn sỏi đá khi trồng thành công bước đầu cây ca cao xen canh cây chuối thuộc Khu KTQP Ea Súp, bao gồm trang trại lớn và liên kết với các nông hộ nhỏ trong khu vực.
Để khắc phục những khó khăn về nước tưới, CIC đã áp dụng công nghệ cao với kỹ thuật tưới nhỏ giọt của Israel. Tất cả các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, lắp đặt đều được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia nước ngoài. Đây là một trong số rất ít nông trại quy mô lớn ở Việt Nam và trong ngành ca cao thế giới được áp dụng 100% công nghệ, thiết bị tưới nhỏ giọt của Israel ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản.
“Có thể xem việc áp dụng thành công kỹ thuật tưới nhỏ giọt của Israel là cuộc cách mạng trong kỹ thuật canh tác và chuyển đổi cơ cấu tại Khu KTQP Ea Súp, giúp khai phá các vùng đất khó khăn về nước tưới”, TS. Phạm Hồng Đức Phước, chuyên gia ngành ca cao Việt Nam, nhận xét.
Kết quả là một trang trại ca cao đang phát triển xanh tốt, chuối xen canh đã cho thu hoạch ngay từ năm đầu tiên đã hình thành ở vùng đất sỏi đá này. Sản phẩm từ đây cũng bắt đầu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... Từ 50 ha trang trại tập trung đầu tiên, CIC đã mở rộng quy mô trang trại, và mở rộng liên kết với các hộ nông dân để đưa diện tích trồng cacao lên 200 ha, trong đó các hộ liên kết cũng được đầu tư và áp dụng công nghệ tưới hiện đại.
|
Các hộ liên kết cũng được đầu tư và áp dụng công nghệ tưới hiện đại. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Mở liên kết với người nông dân
Cây ca cao với giá cả không tăng, giảm đột biến, thị trường xuất khẩu lớn, đang có nhiều tiềm năng đem lại một giải pháp kinh tế xã hội hiệu quả cho Ea Súp, qua đó góp phần phát triển an sinh xã hội, an ninh quốc phòng địa phương. Tuy nhiên về lâu dài, dự án rất cần sự hỗ trợ của chính quyền.
Ông Đinh Hải Lâm, Tổng Giám đốc của CIC phân tích, để làm quy mô lớn, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tiếp cận đất đai. Nhiều địa phương cấp đất dự án nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận quỹ đất sạch, vì địa phương không đền bù giải tỏa cho người dân. “Với mục tiêu trồng 1.000 ha ca cao tập trung và 3.000 ha liên kết với nông hộ nhỏ, quy mô sản lượng 10.000 tấn, chúng tôi rất mong muốn được nới thông các quy định về hạn điền”, ông Lâm kiến nghị.
Theo ông Lâm, Chính phủ đã định hướng phát triển Việt Nam thành quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích người nông dân bất kể vùng miền, quy mô nào hãy áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Những người nông dân ở huyện nghèo Ea Súp đang thay đổi theo theo hướng đi này. Sản phẩm chuối ở Ea Súp đã có hệ thống sơ chế, đóng gói xuất khẩu và đang xây dựng thương hiệu. Còn với ca cao, bước đầu CIC sẽ xuất khẩu hạt khô.
Trong một vài năm tới, CIC đặt mục tiêu trồng 1.000 ha ca cao tập trung và 3.000 ha liên kết với các nông hộ nhỏ, quy mô sản lượng 10.000 tấn. CIC áp dụng mô hình kinh tế lấy nông trại làm trung tâm, từ đó mở rộng sản xuất thông qua việc liên kết với các nông hộ nhỏ.
Các hộ tham gia vào liên kết sẽ được chuyển giao kỹ thuật để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của các thị trường xuất khẩu và vì thế sẽ được CIC bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Khi sản lượng đủ lớn, Công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến sâu tại địa phương. Với chất lượng tốt và kỳ vọng ổn định sản lượng, CIC cũng đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu toàn cầu cho cây ca cao Việt Nam.
Thế Phong