Quang cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có: Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc tổ chức Action Aid Việt Nam Hoàng Phương Thảo, Giáo sư – Viện sĩ Trần Đình Long, cùng các chuyên gia đến từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia nông nghiệp đến từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Pháp…
Trong báo cáo dẫn đề Hội thảo, Giáo sư – Viện sĩ Trần Đình Long cho biết, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, mỗi năm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do hậu quả của biến đổi khí hậu, Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những hành động quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, trong đó đặc biệt quan trọng là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhận thức rõ vai trò quan trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững”. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay phát triển còn kém bền vững, năng lực thích ứng, đối phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt cho phát triển sản xuất. Trong tình hình đó, Việt Nam cần có những bước phát triển phù hợp. Cụ thể, ở từng thời điểm, cần có mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm…, vấn đề quan trọng là xác định rõ vai trò của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân…
Giáo sư – Viện sĩ Trần Đình Long nhấn mạnh, mục đích và nội dung chính của Hội thảo nhằm thống nhất nhận thức về phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững thích ứng với biến đối khí hậu trong diễn biến thực tế của Việt Nam; những tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp Việt Nam cũng như xác định rõ thực trạng, thuận lợi và thách thức của ngành nông nghiệp trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, đề xuất chiến lược và kế hoạch phát triển, các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan, trong đó đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Hội thảo sẽ có những chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số nước, qua đó sẽ đề xuất các giải pháp nhằm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giới thiệu các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch…
Trình bày tham luận tại Hội thảo, Tiến sỹ Trần Đại Nghĩa, Trưởng Bộ môn nghiên cứu Kinh tế tài nguyên và Môi trường, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, biến đổi khí hậu và những hệ lụy của nó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ tính riêng năm 2016, những thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra như: bão, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng bất thường, mưa bất thường, xâm nhập mặn, sạt lở… đã làm thiệt hại hơn 700 nghìn ha lúa và diện tích cây trồng, hơn 400 nghìn ha cây ăn quả… đe dọa an ninh lương thực của 1,1 triệu người sống trong vùng bị ảnh hưởng. 18 địa phương trên cả nước đã thông báo tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
Khẳng định việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuất – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đưa ra một số ví dụ như nhờ áp dụng công nghệ cao, Israel đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị trên 7 tỷ USD/năm ở vùng đất sa mạc hóa. Bằng giải pháp trồng cây trong nhà kính và tự động hóa, Israel đã nâng năng suất cà chua lên 400/tấn/ha/năm. Tại Hồ Nam và một số tỉnh của Trung Quốc, công nghệ nhà màng và điều tiết điều kiện tiểu khí hậu theo hướng tự động trên máy tính cũng đã được ứng dụng trong sản xuất hoa cắt cành hoặc nguyên chậu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại Australia, bằng công nghệ tưới nước tiết kiệm và điều khiển quá trình ra hoa, đậu quả theo ý muốn, bọc quả chống côn trùng, nên năng suất xoài đã nâng lên trên 25 tấn/ha với chất lượng cao, đáp ứng thị trường người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp đã được chú trọng và đạt được những kết quả ban đầu. Một số công nghệ tiên tiến được phát triển phục vụ sản xuất như: công nghệ mô hom nhân giống cây lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây trồng, công nghệ che phủ nilon cho một số cây trồng, công nghệ thuỷ canh sản xuất rau trong nhà lưới, công nghệ nuôi gà, heo lạnh, công nghệ di truyền tạo cá rô phi đơn tính, công nghệ nuôi siêu thâm canh cá tra, công nghệ chiếu xạ bảo quản thanh long,…
Tiến sĩ Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn trình bày tham luận tại Hội thảo
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuất, bên cạnh một số kết quả đạt được, việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam còn gặp phải những hạn chế, trong đó đặc biệt chưa có quan điểm và tiêu chí thống nhất về công nghệ cao trong nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. So với các nước tiên tiến khu vực châu Á và thế giới thì trình độ công nghệ áp dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam còn thấp và chưa có hệ thống. Một số công nghệ cao nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có nhiều cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu, chưa có nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; chưa có quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, việc đầu tư cơ sở vật chất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp có giá thành cao nên nhiều doanh nghiệp còn khó chấp nhận; chưa có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chưa có sự phối hợp đa lĩnh vực, đa ngành, đặc biệt là chưa có sự liên kết giữa công nghệ sinh học với các lĩnh vực công nghệ khác trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Để phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng, ngành nông nghiệp cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo và nhân giống cây trồng nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản; nghiên cứu cải tiến các công nghệ cao nhập nội để thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam; từng bước nghiên cứu và phát triển các công nghệ cao mới trong nông nghiệp, chú trọng lĩnh vực trồng trọt, trồng rừng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Việc lựa chọn nhập một số công nghệ cao từ nước ngoài thuộc Danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp được ưu tiên đầu tư phát triển mà trong nước chưa có là điều cần thiết trong quá trình phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao hiện nay. Từ đó tiến hành nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và thích nghi với điều kiện thực tế của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản và chế biến nông sản.
Bên cạnh đó, các đại biểu thống nhất cho rằng, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở các địa phương đối với một số lĩnh vực đã có công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng. Trong đó trọng tâm là các doanh nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất chế phẩm sinh học, chế biến nông sản… Các địa phương cần có quy hoạch cụ thể các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng các hoạt động thử nghiệm, trình diễn công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; từng bước hình thành một số khu nông nghiệp công nghệ cao mới ở một số vùng sinh thái có lợi thế./.
Tin, ảnh: Khánh Lan