Ngày 13/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, tập trung vào các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ của ngành giai đoạn 2021-2030.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TL) |
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Giai đoạn 2016-2020, những thành tựu của ngành khoa học và công nghệ đã đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước được thể hiện qua nhiều lĩnh vực. Cụ thể, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ - dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển với khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo liên tiếp tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD liên tiếp trong 2 năm gần đây, tăng gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo.
Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI 3 của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Nếu như 10 năm trước đây kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ) thì đến nay, đầu tư cho khoa học và công nghệ từ ngân sách nhà nước và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học và công nghệ đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam cũng như trên thế giới diễn biến phức tạp.
Giai đoạn 2021-2025, mặc dù thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp của quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế nhưng nền kinh tế nước ta phát triển chưa bền vững, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, những đòi hỏi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ lụy của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tình hình dịch COVID-19 được dự báo còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng không những trong năm 2021 mà còn tiếp tục trong các năm tiếp theo.
Trước tình hình trên, việc phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải được coi là nhân tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, là yếu tố thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thứ trưởng cũng cho biết, giai đoạn 2021-2025, toàn ngành khoa học và công nghệ sẽ phấn đấu huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu thúc đẩy, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; triển khai áp dụng khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong một số dự án khoa học và công nghệ; đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách nhà nước tối thiểu 2%, phân bổ và sử dụng có hiệu quả và trọng tâm nguồn lực cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích nhiều doanh nghiệp thành lập và tăng quy mô các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng Quỹ cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ; triển khai các giải pháp để thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TL |
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, phải khẳng định vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam từng bước khẳng định vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được tăng cường, một số lĩnh vực khoa học công nghệ đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hoá dầu, vật liệu, tự động hoá, nano, công nghệ tính toán, y học… được tăng cường. Hoạt động xúc tiến, hỗ trợ tìm kiếm, trao đổi, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh... Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phù hợp với cam kết, tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tự mà ngành khoa học và công nghệ đã đạt được trong giai đoạn vừa qua.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Muốn đất nước "bứt phá" lên được phải có nguồn nhân lực khoa học công nghệ, nhưng khoa học và công nghệ cần phải cụ thể hoá, chi tiết hoá và phải có đột phá mới. Bên cạnh đó, có thể dựa trên xu thế phát triển của thế giới để tìm ra cái mới từ thực tế Việt Nam. Có như vậy, đất nước mới có thể "bứt phá".
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải coi đổi mới là quá trình liên tục, cộng đồng khởi nghiệp cũng có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng để đất nước "bứt phá" cần tìm ra cái mới và phải có đột phá mới về khoa học và công nghệ.
“Có nhiều việc phải làm nhưng trước hết cần số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để việc quản lý các nhiệm vụ liên thông. Cơ chế tài chính vượt qua những rào cản trước đây về mặt "đúng quy trình" và các bộ cùng tháo gỡ, ủng hộ thì đất nước mới có bước phát triển dài”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định cùng với các đơn vị tiếp tục xây dựng cơ chế đặc thù trình Chính phủ, tìm giải pháp tháo gỡ hiệu quả nhất để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực, đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và xã hội.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề xuất với Chính phủ hoàn thiện các văn bản pháp luật về tài sản công và các văn bản hướng dẫn về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng vốn nhà nước theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để chuyển giao kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học vào thực tiễn đời sống, sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng cho biết sẽ trình Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc duy trì áp dụng cơ chế tài chính đặc thù cho Cục Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn sau năm 2021 để tạo điều kiện chủ động về nguồn lực đầu tư, phát triển các hoạt động sở hữu trí tuệ thực hiện Chiến lược về sở hữu trí tuệ và Luật Sở hữu trí tuệ chuẩn bị được sửa đổi…/.