Phát triển nguồn nhân lực cho miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế xã hội 

Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chế độ, chính sách thiết thực trong công tác đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) miền núi và người dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, số lượng và chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS trên địa bàn tỉnh tăng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về việc phát triển nguồn nhân lực cho miền núi và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhằm tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ miền núi và người DTTS từ tỉnh đến cơ sở đủ năng lực và đạt tiêu chuẩn về trình độ các mặt theo quy định.

Vùng đồng bào dân tộc và miền núi của tỉnh có 47 xã, thị trấn, trong đó có 41 xã, thị trấn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở 2 huyện miền núi là Hướng Hóa, Đakrông và 3 huyện có xã miền núi là Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; toàn vùng có 41.773 hộ và 176.700 khẩu (chiếm 24,66% dân số toàn tỉnh). Tính đến ngày 01/01/2018, đồng bào DTTS là 17.816 hộ và 87.629 khẩu với hai dân tộc chính là Bru - Vân Kiều, Tà Ôi (Pa cô). Việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn các huyện miền núi đã được chú trọng triển khai thực hiện; bố trí sử dụng sinh viên hệ cử tuyển được quan tâm. Tổng số cán bộ công chức viên chức người DTTS ở 41 xã, thị trấn có đồng bào DTTS là 1.090 người (chiếm 4,84% tổng số cán bộ công chức viên chức toàn tỉnh). Trong đó cán bộ công chức cấp huyện trở lên 26 người (chiếm 1,39%); cán bộ công chức cấp xã 485 người (chiếm 16,78%); viên chức sự nghiệp 579 người (chiếm 3,26%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng làm việc cho cán bộ cấp xã là người DTTS chủ yếu đào tạo văn hóa, bồi dưỡng lý luận chính trị và kiến thức quản lý Nhà nước được chú trọng. Trong thời gian qua đã có 259 lượt cán bộ, công chức, viên chức công tác trên vùng dân tộc miền núi được bồi dưỡng tiếng Bru -Vân Kiều. Hầu hết số sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường được UBND tỉnh ưu tiên tuyển dụng vào công chức cấp xã, huyện, tỉnh theo hình thức xét tuyển không qua thi tuyển và xét tuyển đặc cách vào viên chức khi có chức danh vị trí làm phù hợp trình độ đào tạo.

Từ năm 2013 đến nay, các huyện miền núi đã tuyển dụng và bố trí việc làm cho 53 sinh viên đào tạo theo hệ cử tuyển chuyên ngành sư phạm. Hầu hết đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác giảng dạy và quản lý, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Năm 2017, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã gửi đào tạo hệ cử tuyển 03 đồng chí, tuyến nghĩa vụ quân sự 16 đồng chí, trong đó có 02 đồng chí được kết nạp Đảng. Các đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ được huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ hoàn thành tốt nhiệm vụ, là lực lượng cán bộ nguồn cho chính quyền cơ sở, các xã miền núi.

Hệ thống trường phổ thông, trong đó có các trường dân tộc nội trú tiếp tục được củng cố, phát triển cả quy mô và chất lượng giáo dục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư. Kể từ khi Chỉ thị số 20-CT/TU ban hành cho đến nay, bằng nguồn ngân sách, kinh phí sự nghiệp; chương trình mục tiêu quốc gia và sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, các tổ chức chính trị xã hội trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 1.025 công trình 100% các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện miền núi đều có trường học cao tầng tại các điểm trường chính, trong đó có 20 trường đạt chuẩn quốc gia. Việc hỗ trợ cho học sinh bán trú, hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; miễn, giảm học phí, chi phí học tập... được triển khai kịp thời, đúng quy định đã góp phần giúp cho học sinh, nhất là học sinh nghèo, con em đồng bào DTTS có điều kiện học tập tốt hơn. Việc dạy học tiếng Bru-Vân Kiều cho học sinh lớp 6 tại 5 trường trên địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông và cán bộ quản lý, giáo viên vùng DTTS theo chương trình và sách giáo khoa của Sở GD&ĐT đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tất cả các xã, thị trấn đã có đường giao thông đến trung tâm huyện; 80% số thôn, bản có đường giao thông “cứng hóa” đến trung tâm xã; hệ thống điện lưới quốc gia được đầu tư đến tất cả 47 xã, thị trấn; tỷ lệ hộ sử dụng điện chiếm 99,6%; hệ thống cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng dân tộc miền núi được đầu tư. Một số vùng, ngành thương mại - dịch vụ bắt đầu phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn chỉnh.

100% số xã trong vùng đồng bào DTTS đã có trạm y tế; đội ngũ cán bộ y tế xã được tăng cường, được tập huấn sử dụng máy siêu âm cầm tay, tập huấn về kỹ thuật nội soi tổng hợp, ngoại chấn thương, kỹ thuật siêu âm… Cùng với đó, hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh quân dân y của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, BĐBP tỉnh, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển. Lực lượng này đã góp phần tạo thêm nguồn lực phục vụ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; ổn định và phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đặc biệt là tại khu vực biên giới.

Mỗi xã thuộc huyện miền núi đều có 01 khuyến nông viên cơ sở (KNV), riêng các xã thuộc vùng khó khăn bố trí 02 KNV, mỗi thôn bố trí 01 cộng tác viên khuyến nông. Đội ngũ cộng tác viên khuyến nông thôn, bản phần lớn là những người đang đảm nhận các chức vụ trưởng, phó thôn; lãnh đạo các hợp tác xã, các hội đoàn thể ở cơ sở, có tâm huyết, kinh nghiệm, sâu sát, là cầu nối chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân trong vùng. Đội ngũ KNV đã tham mưu cho UBND xã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới; tuyên truyền vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai các mô hình khuyến nông, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ canh tác và kỹ năng tổ chức sản xuất. Đội ngũ KNV cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể tại địa phương để công tác khuyến nông ngày càng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Các đơn vị, địa phương đã chủ động phối hợp, triển khai hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; xây dựng kế hoạch, nội dung đào tạo nghề cho đồng bào DTTS; triển khai “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm”; lồng ghép thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 03 tháng theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách nội trú đối với học sinh sinh, sinh viên cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg, ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung đào tạo các nghề quan trọng đã gắn với đời sống đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giải quyết việc làm cho lao động người DTTS trên địa bàn để tìm kiếm việc làm phù hợp tại địa phương, trong và ngoài nước. Qua khảo sát cho thấy 70-75% lao động sau khi học nghề phi nông nghiệp đã tìm kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định. Nhiều mô hình như: may công nghiệp gắn đào tạo nghề với bố trí việc làm tại các công ty may trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả; mô hình trồng và chăm sóc cây hồ tiêu; mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi gà, vịt, cá... đã được triển khai với quy mô ngày càng lớn.

Có thể nói, công tác đào tạo nghề ở miền núi và đào tạo nghề cho đồng bào DTTS đã và đang triển khai đúng hướng, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. đời sống Nhân dân toàn vùng từng bước được nâng lên, ngày càng có nhiều hộ gia đình có mô hình sản xuất giỏi, thu nhập cao, nhiều cá nhân là người DTTS được biểu dương, khen thưởng trên lĩnh vực sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, công tác cán bộ: “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý  lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay". Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, với những kết quả đạt được đó, chắc chắn rằng nguồn nhân lực miền núi và vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Trị sẽ là nguồn lực không thể thiếu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./. Hoàng Anh Tuấn

1134 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1022
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1022
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 82107318