Phát triển nghề khai thác thủy hải sản gắn với chế biến mang lại hiệu quả kinh tế 

Phát huy lợi thế vùng cửa biển, ngư dân thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) không chỉ phát triển nghề đánh bắt hải sản bằng những đội tàu công suất lớn, mà còn mở rộng nghề chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Theo ông Bùi Đình Thủy, Tổ trưởng tổ tự quản tàu xa bờ xã Gio Hải, thị trấn Cửa Việt, hiện nay mỗi năm bà con ngư dân thị trấn Cửa Việt khai thác từ 5.000 - 7.000 tấn cá các loại; trong đó xuất khẩu trên 1.000 tấn, ước tính doanh thu từ 150 - 170 tỷ đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

Toàn thị trấn có khoảng 200 tàu thuyền, lực lượng lao động biển trên 1.000 người, trong đó tàu thuyền đánh bắt xa bờ gắn máy có công suất từ 250 - 800 CV có trên 100 chiếc, tàu thuyền có công suất từ 90 - 250 CV có khoảng 50 chiếc.

Cũng theo ông Thủy, ngoài ngư lưới cụ hiện đại, các tàu còn trang bị thêm máy định vị vệ tinh, phao vô tuyến, máy tự động nhận dạng, máy kéo lưới, máy dò cá (máy dò ngang với bán kính 500m), máy vô tuyến, máy thu vệ tinh Đài duyên hải về dự báo thời tiết. Nhờ có các thiết bị hiện đại nên ngư dân có điều kiện bám biển dài ngày đi khơi, đi xa, tránh được bão, gió; giảm được rủi ro xảy ra trên biển và giữ được mối liên lạc với bạn nghề trong quá trình sản xuất.  

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ khi Nghị định 67 của Chính phủ triển khai thực hiện, ngư dân có điều kiện vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu có công suất từ 400 CV trở lên để khai thác có hiệu quả hơn. Hiện ngư dân đã đóng mới 10 tàu vỏ thép, 1 tàu composit, 7 tàu vỏ gỗ có công suất 800 CV trở lên, tổng trị giá khoảng 250 tỷ đồng.  

Lượng tàu thuyền ngày càng nhiều đã gắn với phát triển các nghề phục vụ hậu cần trên bờ. Hiện nay, trên địa bàn có hàng chục cơ sở sửa chữa máy thủy và điện cơ, xưởng cơ khí, cơ sở sản xuất nước đá, cơ sở sản xuất nước tinh lọc, cơ sở chế biến mắm chợp, kho đông lạnh, lò hấp sấy cá sản lượng chế biến đạt trên 600 tấn cá/năm.  

Những ngành nghề trên đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định. Đặc biệt, nghề hấp sấy cá phát triển mạnh, hằng năm sản lượng chế biến cá khô từ 3.000 đến 5.000 tấn, giải quyết kịp thời về sản lượng cá đánh bắt được để tàu thuyền nhanh chóng ra khơi.

Chú thích ảnh

Chế biến cá nục khô xuất khẩu.

Chú thích ảnh

Cá nục tươi sau khi phơi khô, tiếp tục đưa vào lò hấp sấy, chế biến xuất khẩu.  

Chú thích ảnh

Mỗi năm thị trấn Cửa Việt sản lượng chế biến cá khô khoảng 3.000 - 5.000 tấn.

Chú thích ảnh

Nghề chế biến hải sản đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn thị trấn Cửa Việt có thu nhập ổn định.

Ngoài ra, thị trấn Cửa Việt có bãi biển dài và đẹp, thuận lợi cho việc kinh doanh, dịch vụ nhà hàng phục vụ khách du lịch. Từ các hoạt động khai thác, kinh doanh, dịch vụ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng, đến nay có hơn 300 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.  

Tin, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
261 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 635
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 635
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76720116