|
TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (bên phải) trả lời phỏng vấn của phóng viên về hiện tượng thời tiết thiên tai và biến đổi khí hậu. Ảnh: Bích Liên |
Đó là chia sẻ của TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng nghiêm trọng trong thời gian gần đây.
Phóng viên (PV): Ông có nhận định như thế nào về diễn biến thiên tai ở nước ta trong thời gian gần đây như nắng nóng kỷ lục vào mùa hè vừa qua tại miền Bắc,mưa lớn bất thường gây sạt lở tại miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên, Nam Bộ và gần đây nhất là trận mưa lũ kéo dài liên tục tại các tỉnh miền Trung? Đây có phải là biểu hiện sự gia tăng tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Cường: Trong năm 2023, đã có nhiều tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai ở Việt Nam. Điển hình là đầu năm diễn biến mưa ít dẫn đến thiếu nước nghiêm trọng ở khắp các vùng miền đất nước. Ngay sau đó là đợt nắng nóng kèm theo nhiệt độ kỷ lục vào tháng 5 khi nhiệt độ cao nhất trong ngày đo được ở Tương Dương, Nghệ An lến đến 44,2 độ C phá vỡ kỷ lục 3 năm trước đây ở Hương Khê, Hà Tĩnh là 43,4 độ C. Đó là biểu hiện rất rõ tác động của biến đổi khí hậu đối với thiên tai tại Việt Nam.
Ngay sau đợt nắng nóng này là đợt mưa dài kỷ lục ở Bắc Bộ gây lũ quét, sạt lở đất và sau đó là lượng mưa cường độ rất lớn. Như vậy rõ ràng, hiện tượng thiên tai ở Việt Nam trong những năm qua và đặc biệt là trong năm 2023 vừa chịu tác động của hiện tượng El Nino cùng với tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng nhiều hơn và khốc liệt hơn.
PV: Ông đánh giá thế nào khả năng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất của chúng ta hiện nay?
Ông Hoàng Đức Cường: Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại rất nghiêm trọng, đây là hiện tượng xảy ra rất nhanh, bất ngờ, quy mô thường cục bộ. Nguyên nhân do địa hình chia cắt, kiến tạo của địa chất cộng với mặt đệm bị hủy hoại. Những năm gần đây, các hoạt động của con người ở vùng núi, trung du làm mất cân bằng của địa chất, khi có mưa kích hoạt dễ dàng gây ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở Việt Nam.
Nhận diện nguyên nhân như vậy, chúng ta đã có rất nhiều cải tiến trong việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Tuy nhiên, dự báo được lũ quét, sạt lở đất về thời gian, khu vực và mức độ của hiện tượng này là điều chưa làm được ở Việt Nam và ngay cả ở các nước tiên tiến thế giới. Do đó, chúng ta mới chỉ giới hạn ở việc cảnh báo hiện tượng này.
Thời gian vừa qua, chúng tôi chủ yếu tập trung phát triển nền tảng công nghệ số với hệ thống đo mưa, ra đa, quan trắc lượng mưa tự động, ước lượng được diện rộng của lượng mưa. Đồng thời, với các bản đồ đã xây dựng từ trước để phân vùng lũ quét, sạt lở đất kết hợp với các nghiên cứu các ngưỡng, khả năng xảy ra hiện tượng này để cảnh báo sớm vùng có nguy cơ diễn ra. Tất cả thông tin này chúng tôi tích hợp vào hệ thống trang web cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để chuyển tải đến người dân. Chúng tôi đang cố gắng nhanh nhất và chi tiết nhất có thể cảnh báo về hiện tượng này.
PV: Được biết việc dự báo chính xác các hiện tượng thời tiết phụ thuộc vào các trạm quan trắc. Tuy nhiên hiện nay có một thực tế là mật độ các trạm quan trắc của chúng ta còn thưa và chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Ông Hoàng Đức Cường: Hệ thống quan trắc của Việt Nam những năm trước đây chủ yếu là đo nhiệt độ. Gần đây nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành Khí tượng Thuỷ văn đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống quan trắc khí tượng thuỷ văn trong đó có đo mưa.
Tính đến nay chúng ta có được số liệu đo mưa của hơn 2.000 trạm. Đây là số lượng tương đối lớn, tuy nhiên với hiện tượng mưa phân bố cục bộ, không đồng đều với địa hình chia cắt ở Việt Nam thì rõ ràng chưa đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu để nhận biết toàn bộ hiện trạng mưa để đưa vào các mô hình, đưa vào các phương án dự báo, đánh giá đối với hiện tượng thiên tai xảy ra nhanh và cần thông tin cập nhật liên tục.
|
TS Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn trả lời phỏng vấn về hiện tượng thời tiết thiên tai và biến đổi khí hậu. |
Rõ ràng mạng lưới quan trắc thưa sẽ ảnh hưởng đến cảnh báo, dự báo của Việt Nam đối với hiện lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Trong khi đó, chúng ta chưa có mạng lưới trạm quan trắc khí tượng trên biển, các trận mưa lớn đều có nguồn gốc từ biển vào nên rất khó có thể nhận định từ sớm, từ xa các hiện tượng mưa trong đất liền. Chúng tôi đã khắc phục điều này bằng nhiều giải pháp khác nhau như sử dụng các phương tiện vệ tinh khí tượng, ra đa. Thông tin từ các phương tiện này sẽ bao trùm phổ quát và liên tục về ước lượng lượng mưa, mặc dù không hiệu quả và chính xác bằng trạm đo mưa nhưng dù sao cũng có số liệu để phân tích đưa ra dự đoán, cảnh báo.
PV: Thời gian qua, ngành Khí tượng Thủy đã có những đổi mới gì trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai?
Ông Hoàng Đức Cường: Chúng tôi đặt ra phương châm dự báo sớm hơn, dài hạn hơn, chi tiết hơn. Để thực hiện được điều đó, ngành Khí tượng Thủy văn đã nhiều đổi mới trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Trong đó có thay đổi quy trình và yêu cầu dự báo viên tuân thủ quy trình này từ khâu thu thập số liệu đến khâu xử lý số liệu, liên tục cập nhật bản tin dự báo.
Trước đây, việc triển khai dự báo ở nhiều cấp khác nhau từ Trung ương đến địa phương dẫn đến trùng lặp thông tin, số liệu. Chúng tôi đã điều chỉnh cấp Trung ương nhận định hiện tượng thiên tai quy mô lớn, cấp khu vực; các đài tỉnh chỉ dự báo trong phạm vi các quận, huyện, xã thuộc đìa bàn tỉnh. Từ đó, chúng tôi đã mở rộng được mạng lưới dự báo chi tiết từ các cấp quận, huyện, xã trên toàn quốc. Các bản tin dự báo chi tiết đến cấp xã giúp cho công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai được tốt hơn.
Về công nghệ dự báo đã được tiếp thu rất nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài thông qua các dự án ODA. Ngoài phương án dự báo truyền thống, chúng tôi cũng phát triển nhiều phương án dự báo dựa trên công nghệ Big Data, AI. Phát triển hệ thống truyền tin trên mạng xã hội để đưa thông tin chi tiết đến người dân một cách nhanh nhất. Cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương cũng được xử lý liên tục bổ sung cập nhật để thông tin dự báo sớm hơn, chi tiết hơn, tin cậy hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!