Phát triển kinh tế tư nhân - quyết sách quan trọng và đúng đắn của Đảng ta 

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách mạnh mẽ nhằm tạo động lực phát triển khu vực này, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân cùng những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm, cho thấy quyết tâm chính trị cao trong việc tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, trở thành trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

  Kinh tế tư nhân được chính thức thừa nhận trong Văn kiện Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) và tiếp tục được khẳng định trong các Nghị quyết sau này. Đặc biệt, Nghị quyết số 10-NQ/TW, khóa XII xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
          Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có hơn 6,1 triệu cơ sở kinh doanh, trong đó có khoảng 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiếp tục là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP; đóng góp hơn 56% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Ở lĩnh vực xuất nhập khẩu, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân vào hoạt động xuất khẩu đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, gia tăng giá trị gia tăng và nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Về giải quyết việc làm, lao động trong khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 82% tổng số lao động cả nước. Khu vực này cũng tạo ra hàng triệu việc làm mới mỗi năm. Sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân không chỉ góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp mà còn nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa nông thôn.

Về đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Sự linh hoạt và nhạy bén của khu vực tư nhân đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Điều này không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Khu vực kinh tế tư nhân còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế với tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực này trung bình là 6-8%/năm. Sự cạnh tranh và đổi mới không ngừng trong khu vực tư nhân đã tạo động lực cho việc nâng cao kỹ năng, cải tiến quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ mới, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao thu nhập cho người lao động. Cũng nhờ có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, giá cả hợp lý hơn với chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện.

Để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, ngày 6/3/2025, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 526/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng là Phó trưởng Ban Thường trực; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng là Phó Trưởng Ban phụ trách. Việc thành lập Ban Chỉ đạo thể hiện sự nhanh nhạy của Chính phủ trong việc triển khai chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng.
          Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ; định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân - động lực mới phát triển kinh tế trong thời gian tới. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 68-NQ/TW, cần tập trung thực hiện một số công tác cấp bách, sau đây:

Thứ nhấttriển khai quyết liệt, hiệu quả các công tác sớm đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Ngay trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Quốc hội sẽ thảo luận và ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, khả thi, hiệu quả. Lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW do Thủ trướng Chính phủ làm Trưởng ban, định kỳ hằng tháng rà soát, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lúng túng, thực hiện theo cách riêng gây mất hiệu lực chính sách trung ương. Thường xuyên công khai kết quả thực hiện, lấy đây là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, nhất là đối với người đứng đầu. Thúc đẩy, tạo sự đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, bảo đảm nguyên tắc “nói đi đôi với làm” thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Chính phủ sớm ban hành chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chuyển toàn bộ quy trình hành chính sang hậu kiểm, trừ một số lĩnh vực đặc thù (quốc phòng, an ninh…); có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm công vụ của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong hỗ trợ doanh nghiệp, gắn với công tác thi đua, khen thưởng; chuẩn hóa toàn bộ quy trình cấp phép đầu tư theo mô hình điện tử, rút ngắn thời gian công bố kết quả.

Thứ haikhẩn trương thể chế hoá các quan điểm của Đảng thành pháp luật và bảo đảm thực hiện nghiêm minh trong toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân. Nghiên cứu xây dựng Luật phát triển kinh tế tư nhân và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm thể chế hoá đầy đủ các chủ trương nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW. Trong đó, thiết lập hệ thống cạnh tranh công bằng, xác định rõ danh sách các hành vi tác động tiêu cực đến tiếp cận thị trường và phân biệt đối xử trong cạnh tranh thị trường đối với kinh tế tư nhân. Tạo ra cơ chế thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ tài chính, yêu cầu các tổ chức tài chính thiết lập hệ thống đánh giá tín dụng phù hợp với kinh tế tư nhân và hỗ trợ tài chính. Khuyến khích phát triển khoa học - công nghệ, doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong các dự án lớn, trọng điểm quốc gia và thiết lập các kết cấu hạ tầng nghiên cứu đổi mới sáng tạo quốc gia. Thiết lập hệ thống bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia thị trường, phân biệt rõ ràng giữa tranh chấp kinh tế và tội phạm hình sự, nghiêm cấm các hành vi lạm dụng pháp luật trong quản lý thị trường. Đưa ra các biện pháp nhằm hỗ trợ dịch vụ thủ tục và chính sách cho kinh tế tư nhân, chuẩn hoá các thủ tục hành chính và chính sách. Sửa đổi Bộ luật Hình sự, tách bạch rõ hành vi gian lận - trục lợi với sai sót hành chính thông thường.

Thứ bađặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thúc đẩy phát triển xã hội có tư tưởng khởi nghiệp, khát vọng làm chủ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Triển khai ngay gói tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước. Dành quỹ đất ưu tiên 5-10% tại các khu công nghiệp công nghệ cao cho startup thuê với giá ưu đãi. Mở rộng mô hình sandbox pháp lý toàn quốc, cho phép thử nghiệm thực tế với fintech, AI, nông nghiệp số trong khung thời gian bảo vệ pháp lý rõ ràng. Xây dựng trung tâm tư vấn pháp lý miễn phí hoặc trợ giá cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương.

Thứ tưxây dựng đội ngũ doanh nhân thật sự trở thành “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế, tham gia thực chất trong hoạch định chính sách. Bảo vệ, hỗ trợ, khuyến khích, tôn vinh đội ngũ doanh nhân có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình và góp phần làm giàu cho đất nước, có kiến thức và năng lực quản trị kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, có trách nhiệm với người lao động và cộng đồng xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia phản biện chính sách, đóng góp vào quá trình hoạch định và thực thi chiến lược phát triển. Các bộ ngành khi xây dựng luật, nghị định cần lắng nghe thấu đáo ý kiến của người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nhân thực chiến. Hỗ trợ ngân sách và chuyên môn để xây dựng các hiệp hội ngành nghề mạnh, độc lập, có năng lực phản biện chính sách. Khuyến khích thành lập Hội đồng doanh nhân tư nhân cấp quốc gia, tư vấn trực tiếp cho Chính phủ trong chiến lược kinh tế - công nghiệp dài hạn.

Bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân (KTTN), đồng thời mang tầm nhìn chiến lược đối với định hướng phát triển đất nước. Đây không chỉ là một tuyên bố chính trị mạnh mẽ, mà còn là một lời hiệu triệu nhằm phát huy tối đa sức mạnh của KTTN, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045./. Văn Lãn

 

 

41 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 563
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 563
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 95401004