Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo ông, vì sao Đảng lại chọn kinh tế tư nhân để phát triển?
TS. Cấn Văn Lực: Trước hết phải khẳng định, chủ trương chọn kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế là chủ trương rất đúng đắn của Đảng.
Theo tôi, có 3 lý do cơ bản.
Một là, chúng ta đều nhìn thấy vai trò của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế ngày càng quan trọng. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Hai là, phải thừa nhận có rất nhiều sáng kiến, đổi mới và sự đột phá được xuất phát từ những doanh nghiệp (DN) thuộc khối này.
Ba là, chiến lược kinh tế của Đảng và Nhà nước đang hướng đến việc ngày càng giảm đi sở hữu Nhà nước tại các DN, tập đoàn kinh tế, nhất là các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối. Chính phủ đang một mặt thúc đẩy, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DN, mặt khác đang tạo dư địa cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn.
Ngoài ra, theo tôi còn một lý do quan trọng nữa mà ta cần phải nhìn nhận đúng là hiện nay nhiều DN Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nhiều tai tiếng, đặc biệt là những dự án lớn đang thua lỗ chủ yếu thuộc khối DN Nhà nước.
Nghị quyết lần này của Đảng đã thẳng thắn nhìn nhận “việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn hạn chế, yếu kém”. Theo ông, những điểm nghẽn chính sách đang nằm ở đâu?
TS. Cấn Văn Lực: Theo tôi, Chính phủ cần tập trung vào 9 điểm nghẽn đối với kinh tế tư nhân hiện nay.
Trong đó, 3 điểm cần tập trung xử lý ngay lập tức là các vấn đề về đất đai, tài chính, ngân hàng yếu kém và bộ máy hành chính kém hiệu quả.
Ba điểm có thể xử lý trong trung hạn gồm: Rủi ro kinh tế vĩ mô, chính sách thuế và cấp phép kinh doanh. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến việc thực thi hợp đồng ở Việt Nam đang rất yếu, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ba điểm cần xử lý lâu dài là: Cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự “thất bại thị trường” (tính thiếu đổi mới sáng tạo, thiếu cạnh tranh của thị trường - PV).
Ông vừa nói “hiện nay nhiều DN Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nhiều tai tiếng”. Vậy liệu khối DN tư nhân có đủ sức vực lại cả nền kinh tế?
TS. Cấn Văn Lực: Việt Nam có 3 trụ cột kinh tế quan trọng là kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI). Muốn nền kinh tế phát triển được thì cả 3 trụ cột này đều phải “khỏe”.
Bởi, hiện nay kinh tế tư nhân đóng góp vào nền kinh tế 43%, 57% còn lại thì hai “ông kia” cũng phải khỏe. Vì thế, việc đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu DN Nhà nước kinh doanh hiệu quả là cực kỳ quan trọng. Song song với đó, cần phải rà soát, đánh giá lại cơ chế chính sách để thu hút DN FDI và sự gắn kết của 3 khối DN này chặt chẽ hơn. Hiện nay, sự gắn kết này rất lỏng lẻo, nhất là gắn kết giữa DN trong nước và nước ngoài.
Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, tập trung vào kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển là việc mà Đảng và Chính phủ đang định hướng, đang thực hiện. Nhưng như vậy chưa đủ. Song song với việc phát triển kinh tế tư nhân vẫn phải làm cho hai khối DN kia mạnh lên. Mà muốn cả 3 khối đều mạnh thì phải có sự gắn kết với nhau, trong đó cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa ba khối này với nhau.
Mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN” mà Nghị quyết Đảng vừa đề ra, theo ông liệu có khả thi?
TS.Cấn Văn Lực: Theo tôi mục tiêu này hoàn toàn khả thi với 3 điều kiện tiên quyết: Một là Chính phủ cần đẩy nhanh, quyết liệt việc tái cơ cấu DN Nhà nước.
Hai là đẩy nhanh tiến độ khuyến khích, nâng cấp hộ kinh doanh lên thành DN. Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ để các hộ kinh doanh tự nguyện chuyển lên DN (hiện nay chủ trương này mới dừng ở mức hô hào). Theo tôi, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể giúp họ đào tạo, quản lý DN vì lâu nay quản lý là hộ gia đình. Mặt khác, cần có cơ chế nghiên cứu về thuế để họ thấy việc chuyển thành DN không trở thành gánh nặng.
Ba là Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo môi trường bình đẳng giữa 3 khối DN với nhau.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế ngân hàng, ông có thể cho biết vấn đề gì đang là khó khăn nhất cho DN trong lĩnh vực này?
TS. Cấn Văn Lực: Là người trong ngành, tôi cho rằng câu chuyện về tiếp cận vốn và đất đai đang là vấn đề khó khăn với DN tư nhân. Đặc biệt là việc tiếp cận vốn, không riêng gì các DN tư nhân của Việt Nam “than vãn” về việc khó tiếp cận về tài chính.
Có rất nhiều nguyên nhân như tài sản thế chấp chưa đủ hoặc không minh bạch, đang tranh chấp; thiếu dự án khả thi, chưa đủ khả năng chứng minh tính khả thi của dự án để có thể thuyết phục ngân hàng cho vay.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn lại vấn đề đó là bản thân các DN tư nhân đôi khi cũng không muốn minh bạch hóa, chưa muốn đi vay ngân hàng vì “ngại” thủ tục giấy tờ, “ngại” minh bạch, “ngại” làm ăn bài bản hơn… Đây là bất cập về phía DN tư nhân hiện nay.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Không phân biệt DN dựa vào chủ sở hữu
Cùng quan điểm “cần tạo môi trường bình đẳng giữa 3 khối DN” với TS. Cấn Văn Lực, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng để kinh tế tư nhân phát triển và trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế việc quan trọng nhất Nhà nước cần làm là không phân biệt DN dựa vào chủ sở hữu.
Có nghĩa là mọi DN đều được bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của đất nước thông qua đấu thầu cạnh tranh công khai. Các nguồn lực này bao gồm tài nguyên, đất đai, thị trường, nhân lực... Các tiêu chí chọn thầu ngoài các yếu tố kinh tế mà DN nộp vào ngân sách cần lưu ý yếu tố phát triển bền vững và hiệu ứng tác động xã hội như số lượng việc làm mà DN mang lại.
Một việc vô cùng quan trọng nữa là tất cả hệ thống chính trị cần có những chương trình cụ thể để gìn giữ và xây dựng những thương hiệu hàng hoá cũng như thương hiệu DN Việt nam. Một quốc gia một nền kinh tế không thể thoát khỏi tình trạng nền kinh tế gia công hàng hoá nếu quốc gia đó không có được một thương hiệu toàn cầu.
“Nếu hôm nay chúng ta đầu tư thì 20 năm sau chưa chắc đã có nhưng nếu chúng ta không có một chiến lược đầu tư gìn giữ và phát triển các thương hiệu Việt Nam thì không chỉ là 20 năm sau mà kể cả 50 năm sau cũng không thể có được”, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh
|
Phan Trang (thực hiện)