Thực trạng phát triển KTTT ở Việt Nam

Thực tế cho thấy, KTTT góp phần tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn; góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM). Quan trọng hơn, KTTT đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của một bộ phận nông dân, giúp chủ động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường… từ đó hình thành một lực lượng lao động mới năng động hơn trong nông nghiệp.

Mô hình kinh tế trang trại phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại
(Ảnh: HNV)

Bên cạnh đó, phát triển KTTT tập trung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), kiểm soát dịch bệnh tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp bền vững tốt hơn. Phát triển KTTT với các khu trang trại tập trung không những tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng tốt mà còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tổ chức quản lý tốt chất thải và nguồn thải nông nghiệp là điều kiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông thôn, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất và sức khỏe cho cả cộng đồng. Đây là một trong những biện pháp giải quyết tiêu chí về môi trường đang đặt ra trong xây dựng NTM hiện nay.

Bởi thế, để tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình trang trại, gia trại, thời gian qua, các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ và đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất...

Đến nay, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cả nước hiện có 29.600 trang trại, trong đó có 29,83% trang trại tổng hợp, 37,2% trang trại chăn nuôi, 17,86% trang trại thủy sản, 13,66% trang trại tổng hợp và 1,46% trang trại lâm nghiệp. Các mô hình trang trại được phân bố đều khắp trong các vùng sinh thái, và đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Đã có nhiều mô hình trang trại phát huy được lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu từ 1 – 3 tỷ đồng/năm; thậm chí một số mô hình cho doanh thu từ 5 – 10 tỷ đồng/năm, khẳng định kinh tế trang trại là một trong những loại hình mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đơn cử như tại Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có 865 mô hình kinh tế trang trại, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 2.158,2 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại đạt 2,5 tỷ đồng. Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Hữu Cơ (xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ), doanh thu 21,9 tỷ đồng/năm, lãi 5,8 tỷ đồng/năm; trang trại trồng trọt của ông Hoàng Hữu Quốc (Tiên Tiến, Phù Cừ) doanh thu 5 tỷ đồng/năm, lãi 1 tỷ đồng/năm; trang trại chăn nuôi lợn của ông Đỗ Văn Chuyên, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) với diện tích 3,77ha, doanh thu 2,2 tỷ đồng/năm.

Tại Bắc Giang, tính đến tháng 4/2017, trên địa bàn đã có 778 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, tăng 8 trang trại so với năm 2016, trong đó số trang trại được cấp giấy chứng nhận là 671 trang trại, chiếm 86,2%. Tổng diện tích đất trang trại sử dụng là 1.771ha, tổng số lao động làm việc tại trang trại là 3.850 người. Giá trị sản xuất thu được từ loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 1.540 tỷ đồng.

Hay như Hà Nội có hơn 1.320 trang trại với gần 700 trang trại có thu nhập từ 1-3 tỷ đồng/năm…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu kết quả đạt được, KTTT cũng đang bộc lộ những hạn chế, bất cập. Công tác quy hoạch sản xuất chưa rõ nét nên các sản phẩm manh mún, chất lượng không đồng đều dẫn đến khó phát triển công nghiệp chế biến. Tình trạng được mùa, mất giá, hoặc sản phẩm đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được vẫn xảy ra. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch lạc hậu, làm cho sản phẩm của nông dân luôn chịu sức ép về tính thời vụ, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Ở một số địa phương, phát triển KTTT mang tính tự phát, không có và không theo quy hoạch. Vẫn còn những trang trại giống như vườn tạp, chỉ là mô hình VAC hoặc VAC cải tiến; Nhu cầu sử dụng, tích tụ đất cho trang trại tăng cao nhưng việc giao đất, cho thuê đất, đấu thầu đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại thực hiện chậm, thời hạn thuê, đấu thầu đất còn ngắn và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến các chủ trang trại chưa yên tâm đầu tư vào sản xuất; Chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa qua chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo nên giá bán thấp, sức cạnh tranh yếu; Nhiều trang trại thiếu vốn đầu tư, chưa đủ sức đầu tư theo chiều sâu, đầu tư không đồng bộ.

Nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa thực sự quan tâm, đánh giá đúng mức thị trường cho vay phát triển KTTT, chưa tạo điều kiện cho các trang trại đầu tư phát triển lâu dài; Chi phí sản xuất của trang trại tăng nhanh do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng mạnh nên hiệu quả sản xuất – kinh doanh thấp, bị thua lỗ. Mặt khác do thời tiết khí hậu bất thường, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi liên tục xảy ra, làm nhiều trang trại bị thiệt hại và gặp nhiều khó khăn; Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề lớn đối với các trang trại, nhất là những trang trại chăn nuôi, thủy sản năm gần khu dân cư do chất thải chưa được xử lý, gây khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm.

Để phát triển KTTT bền vững

Trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, con đường phát triển của Việt Nam vẫn là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có phát triển nền nông nghiệp gia tăng giá trị, bền vững, hiệu quả, và mô hình KTTT vẫn được xem là hướng đi đúng đắn, cần thiết. Để phát triển tốt mô hình này, cần thiết phải cụ thể hóa quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong khuyến khích, nhân rộng KTTT cũng như tạo môi trường thuận lợi để phát triển KTTT, bao gồm, môi trường chính trị, kinh tế, pháp luật… Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách phù hợp trong thời kỳ mới, hỗ trợ các trang trại giải quyết khó khăn về vốn, đất đai, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…

Các địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển KTTT. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động để phát triển mô hình KTTT hợp lý; tiếp tục đúc rút kinh nghiệm thực tế, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp với xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, điện, nước… cho KTTT phát triển. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và phát triển các vùng KTTT sản xuất nông sản hàng hoá có lợi thế với quy mô lớn theo quy hoạch, đạt các tiêu chuẩn về môi trường, ATVSTP, an toàn dịch bệnh. Gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ, thực hành quản lý sản xuất và chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị, tăng sản lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu./.

Lê Nguyễn