TS. Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được nhiều nước trên thế giới triển khai với các tên gọi khác nhau. Điểm chung của Chương trình ở các quốc gia là nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa...) làm gia tăng giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phở sắn - sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Để phát triển các sản phẩm ngành nghề nông thôn, các nước đưa ra 3 nguyên tắc, đó là: “Địa phương hướng đến toàn cầu”, “Độc lập và sáng tạo”, “Đào tạo nguồn nhân lực”.

 Tham khảo các nguyên tắc trên và căn cứ tình hình thực tiễn phát triển kinh tế nông thôn ở Việt Nam, cùng chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 3 yêu cầu đối với Chương trình OCOP, đó là: Phát huy các tiềm năng, lợi thế và truyền thống của địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc sản có giá trị cao về kinh tế và văn hóa; phát huy sáng tạo và sức mạnh cộng đồng của cư dân địa phương nhằm tạo nên các sản phẩm có giá trị cộng đồng; thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để phát triển sản phẩm hàng hóa.

 Trong Chương trình OCOP, chủ thể thực hiện là thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện trong định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

 Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình OCOP tuy mới được triển khai trong thời gian ngắn, từ tháng 5/2018 đến nay, song đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật nhất là đã nâng cao nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí, vai trò của Chương trình đối với phát triển kinh tế nông thôn.

 Các tỉnh, thành phố đã bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh. Một số tỉnh; Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bến Tre… đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình trên địa bàn.

 Đến nay, 61/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt, triển khai đề án hoặc kế hoạch thực hiện OCOP của địa phương mình. Tùy theo điều kiện, tiềm năng, lợi thế, các địa phương lựa chọn các sản phẩm độc đáo, mang nét đặc trưng để phát triển sản phẩm, dịch vụ theo 06 nhóm, gồm: thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến); đồ uống (có cồn, không cồn); thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu); vải và may mặc làm từ bông, sợi; các sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm, sứ, dệt may...; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu...

 Theo quy trình hướng dẫn của Trung ương, 31 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận 1.640 sản phẩm OCOP (đạt 68,3% kế hoạch giai đoạn 2018 - 2020) của 945 chủ thể tham gia Chương trình, trong đó có 20 sản phẩm đề xuất 5 sao, 590 sản phẩm đạt 4 sao và 1.030 sản phẩm đạt 3 sao.

 Đặc biệt, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm Chương trình OCOP được các địa phương chú trọng. Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đều tổ chức các hội chợ, triển lãm quốc tế hoặc cấp vùng để quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương. Nhiều địa phương đã quan tâm mở các trung tâm, điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP theo tiêu chí quy định của Bộ Công Thương tạo nên hiệu ứng tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

 Mục tiêu của Chương trình OCOP là đến hết năm 2020 đạt khoảng 2.400 sản phẩm; định hướng đến năm 2030 khoảng 4.800 sản phẩm. Đến hết năm 2020 khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình; định hướng đến 2030 khoảng 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia.

 Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý triển khai thực hiện chương trình OCOP từ Trung ương đến cơ sở; chủ doanh nghiệp và lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyên gia tư vấn... tham gia chương trình OCOP về kiến thức chuyên môn quản lý chương trình; kiến thức chuyên môn quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh, đào tạo nghề.

 Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp tỉnh, vùng, quốc gia và quốc tế. Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại các khu du lịch, khu dân cư, tại các siêu thị, chợ truyền thống, bến/ga/cảng phục vụ hành khách đi trên các phương tiện giao thông. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạng lưới toàn cầu nhằm học hỏi đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi Việt Nam tham gia thực hiện các Hiệp định thương mại. Tổ chức các diễn đàn OCOP quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác triển khai Chương trình OCOP và huy động các nguồn lực quốc tế tham gia Chương trình OCOP.  Thúc đẩy sáng kiến xây dựng mạng lưới kết nối OCOP toàn cầu, trước mắt thúc đẩy kết nối trong khối ASEAN./.

 
Bài, ảnh: Phương Liên