“Hiện nay, người tiêu dùng không đơn giản chỉ mua một sản phẩm mà họ mua cả quy trình tạo ra sản phẩm đó với tổng hợp nhiều chuẩn mực như: Các yếu tố môi trường (có phát thải cao không, có sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường không, có gây bất lợi cho môi trường không), các yếu tố lao động (trẻ em, bình đẳng giới, người khuyết tật…) và quan trọng hơn cả là liên quan tới “đầu ra”, nghĩa là thị trường. Đây cũng chính là đề cập tới hoạt động bán hàng và cách bán hàng, doanh số là một lưu ý nhưng còn phải xem chất lượng và khâu chăm sóc sau bán hàng để có thể duy trì mối quan hệ khách hàng lâu dài”.
Đây là những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Diễn đàn Kinh tế nông nghiệp xanh, diễn ra chiều 15/3, tại trụ sở Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Hà Nội. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình Lớp tập huấn “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP trong phát triển kinh tế nông nghiệp xanh" 2024.
|
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế
nông nghiệp xanh chiều 15/3 tại Hà Nội (Ảnh: HNV) |
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài. Việt Nam đặc biệt ủng hộ mạnh mẽ các chiến lược, sáng kiến và chính sách của các đối tác trong phát triển xanh với các quy định về sản xuất xanh và Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc các quy định trên.
Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tại một cuộc họp gần đây đã cho rằng, phát triển kinh tế xanh và kinh tế số có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau, muốn phát triển xanh thì phải phát triển kinh tế số và ngược lại. Đây cũng là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, do đó, Việt Nam luôn hoan nghênh sự chia sẻ, giúp đỡ của các đối tác trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh.
Thực tế, buổi chia sẻ chiều 15/3 này không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cập tới kinh tế nông nghiệp xanh. Trước đó, vị tư lệnh ngành NN&PTNT đã liên tục đề cập tới nội dung này. Gần đây nhất, trong dịp công bố “Chiến lược phát triển NN&NT bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050” (Chiến lược) cũng đã không ngừng nhắc đến nội dung phát triển kinh tế nông nghiệp xanh.
Được biết, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm, mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm… Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống" văn minh, xanh, đẹp.
|
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: HNV) |
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NN&PTNT rất nghiêm túc trong xây dựng chiến lược và nghiêm túc thực hiện để chiến lược đi vào cuộc sống, bằng nhiều hoạt động và từng bước thông tin để xã hội hiểu được nền nông nghiệp Việt Nam có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất giải quyết vấn đề nội tại ngành nông nghiệp và quan trọng hơn là tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị"…Hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan liên tục nhấn mạnh thông điệp, ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu kết nối đa tầng giá trị cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, lần đầu tiên, lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới, thu về 1.200 tỷ đồng.
Trước đó, trong cuộc trò chuyện với báo chí nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chia sẻ, để hướng đến kinh tế nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh thế giới đang hướng đến nền kinh tế xanh, cần khai thác được không gian phát triển rất lớn từ nông nghiệp để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. “Thế giới không đứng yên, xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi. Tại sao người tiêu dùng châu Âu không mua con cá vi phạm IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định)? Đó chính là văn hóa tiêu dùng. Người mua hàng giờ không chỉ mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm, câu chuyện về sản phẩm, gồm tâm thế, văn hóa, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm. Ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng” - Bộ trưởng nói.
“Trước giờ, chúng ta luôn tự hào sản phẩm của chúng ta là ngon nhưng thực tế ta đang đi chậm một bước so với quốc tế. Ngon không phải yếu tố quyết định, chỉ là điều kiện cần. Ngon nhưng phải phù hợp với văn hóa tiêu dùng, khẩu vị của mỗi quốc gia. Chúng ta đang sống trong thế giới đa dạng, đa văn hóa, đa nhu cầu, thay đổi nhanh. Chính vì vậy, những sản phẩm của chúng ta cần phải khác biệt, bởi chính sự khác biệt mới tạo nên thương hiệu” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2024, thông điệp Bộ trưởng nhắn nhủ mạnh mẽ chính là, cần phải lan tỏa, làm sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế nông nghiệp, nghĩa là làm sao luôn luôn trả lời được câu hỏi trên một đơn vị diện tích làm sao tạo ra của cải nhiều hơn. Hiện nay, nông nghiệp đã tích hợp với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, mở rộng không gian phát triển như: du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp công nghệ cao... Đơn cử như ở Đồng Tháp, vườn hoa Sa Đéc xưa chỉ trồng để bán hoa cho các ngày lễ Tết, nhưng nay diện tích đã thu gọn lại, tạo không gian cho khách du lịch đến tham quan, tăng thêm được giá trị gia tăng.
Cũng năm 2024, theo Bộ trưởng, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp cận xu thế “chạm để kết nối” theo hướng kích hoạt tư duy “số hóa” trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh; hướng tới mục tiêu “mỗi ngày một thay đổi - mỗi ngày một hành động - mỗi ngày một kết quả - mỗi ngày một chạm để kết nối đa tầng giá trị cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” cũng như “chạm để kết nối” ngành NN&PTNT với công nghệ số, với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực, tích hợp đa giá trị cho sản phẩm.
Trong khuôn khổ buổi chia sẻ, Bộ trưởng đã lưu ý các doanh nông trẻ về gắn kết các sản phẩm OCOP xanh với phát triển kinh tế nông nghiệp xanh cũng như câu chuyện kinh doanh bền vững kết hợp không ngừng chủ động, đổi mới, gia tăng giá trị trên cơ sở vừa có tâm vừa có tầm./.