Nghề nấu rượu ở Kim Long, Hải Lăng
Trong thời gian qua, việc khôi phục và phát triển làng nghề đã mang lại hiệu quả cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động, xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương. Đồng thời, các làng nghề đã chú trọng kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường nhằm phát triển làng nghề một cách bền vững. Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, những năm trở lại đây, người dân các làng nghề trên địa bàn toàn tỉnh đã thay đổi suy nghĩ và cách làm trong sản xuất, đặc biệt họ đã quan tâm tới sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng, nên việc xử lý chất thải ra môi trường cũng được chú trọng. Hầu hết, người dân trong các làng nghề đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo được sự đồng bộ trong tất cả các khâu nên lượng nước thải ra môi trường cũng giảm thiểu rõ rệt, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các hộ sử dụng hầm biogas, qua bể lắng và hệ thống kênh mương dẫn nước thải đã được lắp đặt nắp cống nên chất lượng môi trường đã cải thiện hơn nhiều so với trước.
Phơi cá ở Cửa Việt, Gio Linh
Tuy nhiên, các làng nghề trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, phát triển manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu đồng bộ. Do chưa có quy hoạch tổng thể nên các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong vùng dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất. Hầu hết các làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lí nước thải nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước mặt cục bộ tại địa phương. Mặt khác, cơ sở vật chất hạn chế cũng dẫn đến việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp chưa được triển khai đồng bộ. Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít. Cơ chế quản lý và hoạt động sản xuất giữa các làng nghề ít có sự gắn kết, nên việc liên kết sản xuất, thành lập các khu sản xuất tập trung còn khó khăn…
Để phát huy thế mạnh của các làng nghề, đồng thời từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống, sức khỏe cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong làng nghề về công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong các làng nghề, từ đó có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường tại cơ sở trong làng nghề và hướng tới xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thu gom, phân loại chất thải rắn tập trung cho các làng nghề.
Đối với chính quyền địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng và Nhà nước, ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn, phát triển nghề làng nghề truyền thống và các kiến thức về môi trường đến các hộ sản xuất. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, có định hướng cụ thể trong việc quy hoạch các hộ sản xuất trong làng nghề vào khu vực sản xuất tập trung, xa khu dân cư đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Gắn công tác bảo vệ môi trường làng nghề vào các kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đổi mới cơ chế chính sách, khắc phục những hạn chế phù hợp với thực tế.
Đối với các cơ sở sản xuất, bên cạnh việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm theo phương châm kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền. Việc sử dụng các loại máy móc tiên tiến cũng giúp quá trình sơ chế, chế biến được đồng bộ theo dây chuyền, làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường. Riêng đối với các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cần tuân thủ quy trình xử lý, thu gom nước thải, rác thải, chất thải rắn theo đúng quy định. Cùng với đó, các làng nghề tiếp tục duy trì và phát triển các tổ tự quản trong làng nghề để thực hiện nghiêm túc các hương ước, quy ước riêng gắn với đặc thù riêng của từng làng nghề, ký cam kết thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.
Tăng cường các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ dân, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được vay vốn lãi suất ưu đãi nhằm đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường quan tâm, hỗ trợ kinh phí, kĩ thuật cho người dân các làng nghề trong kiểm soát, xử lí môi trường, nhất là việc chuyển giao kĩ thuật, công nghệ, các phương thức sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường. Có như vậy các làng nghề mới phát triển bền vững và môi trường sống của người dân được đảm bảo. Hải Đăng