Sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết sản xuất HTX tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Cao Thăng

Doanh thu, lợi nhuận kinh tế hợp tác xã tăng

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, năm 2017, cả nước có 2.226 hợp tác xã thành lập mới, tăng 46,5% so với năm 2016; trong đó, hợp tác xã nông nghiệp chiếm 51%; giải thể 785 hợp tác xã do làm ăn không hiệu quả, ngừng hoạt động. Đến cuối năm 2017, cả nước có 19.487 hợp tác xã đang hoạt động (tăng 10% so với năm 2016); 54 liên hiệp hợp tác xã (tăng 7,4% so với năm 2016), chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại; 97.589 tổ hợp tác với khoảng 1,57 triệu thành viên. Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng được 274 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị… Kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng so với năm 2016; mang lại lợi ích cho thành viên. Đây là kết quả phấn đấu kiên trì, chủ động của các cấp, các ngành trong những năm qua.

Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã đang trở thành nhu cầu cần thiết của hộ cá thể, xu hướng ở các địa phương, là phương thức tổ chức sản xuất của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế - ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhiều địa phương tập trung xử lý giải thể hợp tác xã kiểu cũ đã ngừng hoạt động, giải tỏa tâm lý mặc cảm với mô hình hợp tác xã kiểu cũ, tạo điều kiện cho thành lập mới các hợp tác xã chuyên ngành, xuất hiện một số mô hình tập đoàn hợp tác xã để huy động các nguồn lực phát triển từ thị trường, mô hình hợp tác xã tổ chức theo địa bàn huyện ở vùng khó khăn. Số lượng HTX nông nghiệp thành lập mới tăng 51% so với năm 2016; sự hợp tác, liên kết sản xuất – kinh doanh giữa các thành phần kinh tế đang được đẩy mạnh ở các địa phương, từ đó xuất hiện nhiều mô hình HTX sản xuất gắn chuỗi giá trị. Số lượng các HTX phi nông nghiệp tăng (trừ HTX tiểu thủ công nghiệp), hiệu quả hoạt động được nâng cao; số lượng thành viên tăng, đa dạng về loại hình HTX, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các ngành công nghiệp, dịch vụ, đời sống ở cả địa bàn nông thôn và đô thị. Mô hình tổ hợp tác phát triển theo nhu cầu liên kết sản xuất của hộ cá thể; các tổ hợp tác hoạt động đa dạng, giúp nhau về kỹ thuật, tiêu thụ, là tiền đề phát triển thành HTX.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng số lượng hợp tác xã thành lập tăng chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; cả nước còn nhiều xã chưa có hợp tác xã; số hợp tác xã yếu kém giảm chậm; lợi ích mang lại cho thành viên còn ít. Những khó khăn nội tại của hợp tác xã kéo dài, chậm được khắc phục; năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp, còn nhiều hợp tác xã lúng túng trong hoạt động, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh; năng lực quản lý còn nhiều bất cập.

Phát triển thực chất, hiệu quả kinh tế hợp tác xã

Năm 2018, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đặt mục tiêu thành lập mới từ 4.500 - 5.000 tổ hợp tác, từ 2.300 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã trở lên, xây dựng 120 mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị. Số lượng thành viên của hợp tác xã tăng từ 10% trở lên so với năm 2017. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt 50%.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, trước hết cần tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển HTX, lợi ích của HTX mang lại cho các thành viên để nâng cao nhận thức của người dân và các cấp, các ngành về HTX kiểu mới. Đẩy mạnh truyền thông về HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; mở các lớp tập huấn về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế  hợp tác, HTX cho lãnh đạo cấp huyện, xã, trưởng thôn, bản và tổ chức chính trị - xã hội.

Phát triển đa dạng hình thức tổ hợp tác; tạo điều kiện phát triển liên hiệp HTX ở các địa phương, liên vùng để sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ngay từ đầu năm 2018; trong đó tập trung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn và cung ứng các dịch vụ theo nhu cầu của các HTX, nhất là các HTX có điều kiện và năng lực sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đề xuất đổi mới mô hình Qũy Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường, liên kết và thống nhất cơ chế hoạt động của hệ thống Qũy hỗ trợ phát triển HTX từ trung ương đến địa phương; tăng khối lượng vốn cho vay đối với HTX. Phấn đấu năm 2018, tất cả các tỉnh phải thành lập quỹ hỗ trợ hợp tác xã. Đổi mới và nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ về công nghệ, quản trị và xúc tiến thương mại cho các HTX.

Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường và nâng cao hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên; chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của HTX để hướng dẫn xử lý và đề xuất các cấp, ngành giải quyết.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, cần nâng cao vị trí, vai trò của hệ thống Liên minh HTX trong thực hiện nhiệm vụ chính trị phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Phát triển kinh tế hợp tác, HTX nhanh và bền vững; xây dựng hệ thống Liên minh HTX Việt Nam vững mạnh”. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại theo hướng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác, khai thác có hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế phục vụ việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX; xây dựng và triển khai Đề án nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ đối ngoại và tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động hợp tác quốc tế trong cả hệ thống Liên minh HTX Việt Nam./.

PV