Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt 

(ĐCSVN) – Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề - tạo việc làm là xu hướng chung của các quốc gia trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Sáng 3/10, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, và Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam – GIZ  tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mở, linh hoạt tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - việc làm bền vững”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: AT)

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, kinh nghiệm và mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia nhằm cải cách và thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục  nghề nghiệp với thị trường việc làm. Mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở là dỡ bỏ mọi rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm.

Tại Việt Nam, từ năm 2006, thuật ngữ “Giáo dục Mở” đã được nêu trong văn kiện của Đảng với chủ trương chuyển dần mô hình giáo dục sang mô hình giáo dục mở. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế định hướng: “Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo”. Đối với giáo dục nghề nghiệp, Nghị quyết 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 chủ trương: “Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động”.

Mặt khác, dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) tại Khoản 2, Điều 5 quy định: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, hiện nay vẫn còn một số cách hiểu, định nghĩa khác nhau về khái niệm giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, nhưng tựu chung đều thống nhất về đặc trưng chủ yếu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt là: Mở về tư duy đào tạo nghề nghiệp; Mở cho mọi người (tất cả người lao động, phụ nữ,  người yếu thế, người lớn tuổi, người khuyết tật, người nghèo….); Mở về địa điểm (tại trường, doanh nghiệp, trạm trại, làng nghề, tại đồng ruộng, tại cộng đồng; tại buôn, làng, thôn, xã, tại nhà dân…); Mở về thời gian đào tạo (dài hạn, ngắn hạn)...

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao từng bước đáp ứng được yêu cầu việc làm của thị trường lao động. Các loại hình đào tạo đa dạng sẽ đáp ứng nhu cầu của người học và khuyến khích họ tiếp nhận những thách thức mới về sự thay đổi của việc làm, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang thâm nhập sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.

Hơn nữa việc đa dạng hóa các phương thức đào tạo sẽ tăng cơ hội học nghề và việc làm cho các nhóm dân số khác nhau, thúc đẩy học tập suốt đời, đặc biệt là những người không có điều kiện sử dụng các cách thức đào tạo truyền thống. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển nguồn nhân lực, gắn giáo dục nghề nghiệp với sự dịch chuyển mau lẹ của thị trường lao động, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp vào quá trình đào tạo nhân lực.

Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh nêu trên, Thứ trưởng cho rằng, nếu không nhận thức đầy đủ và quản lý không hiệu quả thì giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt sẽ gặp những rủi ro liên quan đến chất lượng đào tạo, khó khăn trong việc được thừa nhận và công nhận văn bằng, chứng chỉ kỹ năng và trong việc tổ chức thực hiện...

"Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt là vấn đề chưa được nghiên cứu thấu đáo, còn ý kiến khác nhau, vì vậy rất cần sự tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà giáo, doanh nghiệp, người lao động" - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: Đánh giá tổng quan về hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt của Việt Nam; Làm rõ khái niệm, đặc điểm và những thách thức khi tiếp cận và vận hành hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; Phân tích mối quan hệ giữa phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa, các cơ hội việc làm bền vững cho người lao động; Gắn kết đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động; Thông tin, kinh nghiệm của CHLB Đức và quốc tế, bài học vận dụng vào điều kiện Việt Nam; Định hướng cho việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng mở, linh hoạt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Kết quả và khuyến nghị của hội thảo sẽ cung cấp những thông tin đầu vào để tham khảo cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, về lao động và việc làm; xây dựng kế hoạch hành động và đề xuất giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và việc làm bên vững tại hệ thống  các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dịch vụ việc làm./.

 

Trường Nhật

325 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 928
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 928
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88324358