|
Du khách thăm vườn nho ở huyện Ninh Phước. Nguồn: Báo Ninh Thuận |
Những năm gần đây, thông qua tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá..., lĩnh vực thu hút đầu tư vào hoạt động du lịch của tỉnh Bình Thuận có bước khởi sắc.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 48 dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 15.333,9 tỷ đồng; trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn 3.249,2 tỷ đồng; 10 dự án đang triển khai thi công, với tổng vốn đăng ký 3.650,4 tỷ đồng; 18 dự án đang hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện triển khai thi công, với tổng vốn đăng ký 8.434,3 tỷ đồng… Các dự án tập trung ở các khu vực ven biển, trong đó có dự án đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao trở lên theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020, du lịch được xác định là 1 trong 4 trụ cột quan trọng của nền kinh tế địa phương. Đây là hướng phát triển để khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh, bao gồm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và dịch vụ phục vụ du lịch…
Lãnh đạo Sở VHTT&DL Ninh Thuận cho biết tỉnh hình thành các khu du lịch cao cấp tầm cỡ quốc gia và quốc tế với lợi thế là có bãi biển đẹp, còn nguyên sơ, có các sản phẩm đặc thù phù hợp cho chăm sóc sức khỏe, spa; gắn với các câu lạc bộ golf, du thuyền...; khuyến khích phát triển các dịch vụ du lịch (ăn uống, mua sắm, khu vui chơi giải trí...) khu vực ven biển và tại các khu du lịch trọng điểm để thu hút khách.
Tỉnh bổ sung các khu du lịch trọng điểm (như Vĩnh Hy-Bình Tiên, Mũi Dinh-Cà Ná…) vào quy hoạch để tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư hình thành các sản phẩm mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch…
Xác định là địa phương cũng có nhiều điều kiện phát triển du lịch khi sở hữu di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà (Việt Yên), nhà lưu niệm và nhà trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và dự án khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử…, tỉnh Bắc Giang đã có định hướng thúc đẩy du lịch trong năm nay.
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, khách du lịch đến địa phương chủ yếu tham dự các sự kiện, lễ hội. Tỷ lệ khách lưu trú ít, phần lớn đến-đi trong ngày. Nguyên nhân là do các điểm du lịch của tỉnh hạ tầng còn bất cập, thiếu nhà hàng, khách sạn, các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí khác...
Để khắc phục hạn chế trên, theo kế hoạch, trong năm 2018, Bắc Giang tỉnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch. Mục đích là giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư và các ưu đãi đầu tư vào du lịch Bắc Giang.
Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, trực tiếp trao đổi về các danh mục dự án đầu tư của tỉnh; tìm hiểu, lắng nghe nhu cầu của nhà đầu tư để điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp.
Năm 2018, Quảng Ninh là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để quảng bá Quảng Ninh.
Vì vậy, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng đón sự kiện này bằng việc huy động cả hệ thống chính trị, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp du lịch, nhân dân địa phương cùng vào cuộc. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung vào nâng cao cơ sở vật chất, hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng các tour, tuyến, mở rộng không gian du lịch, đào tạo nhân lực... Hiện tại, Quảng Ninh đã sẵn sàng với sự chuẩn bị tốt nhất để đón “cơ hội vàng” này.
Năm 2018, ngành du lịch Quảng Ninh phấn đấu đón 12 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5 triệu lượt, tổng doanh thu từ khách du lịch là 22.000 tỷ đồng.
Với Thừa Thiên-Huế, năm 2018, du lịch - dịch vụ được tỉnh xác định là 1 trong 4 chương trình phát triển trọng điểm.
Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh cho biết địa phương sẽ tập trung nguồn lực tổ chức thành công Festival Huế lần thứ 10 (tháng 4/2018) với chương trình hấp dẫn, thể hiện được nhiều nét văn hóa đặc trưng, đặc biệt là văn hóa Huế.
Sau đó, tỉnh sẽ tổ chức 1- 2 sự kiện, lễ hội với chủ đề phù hợp theo từng thời điểm trong năm (lễ hội diều, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội hoa đăng, lễ hoa sen, lễ hội múa lân, lễ hội bia...); một số cuộc thi thể thao quốc tế mang tính đại chúng kết hợp khám phá tuyến di sản, đầm phá, thiên nhiên như đua xe đạp, chạy marathon...
|
Du khách đến thăm Huế. Nguồn: Báo Thừa Thiên-Huế |
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết ngay từ đầu năm 2018 sẽ đẩy mạnh xúc tiến về ẩm thực Huế với chủ đề “Huế - Kinh đô ẩm thực- Tận hưởng sự kỳ thú” với quyết tâm khiến du khách đến Huế không thể bỏ qua ẩm thực.
Năm 2018, du lịch Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón khoảng 4 - 4,2 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%; doanh thu du lịch dự kiến đạt khoảng 4.000 - 4.200 tỷ đồng.
Thanh Xuân