PHÁT TRIỂN ĐẢNG VIÊN TRONG TÌNH HÌNH MỚI- NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ THỰC TIỄN 

Kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng cũng như trong quá trình phát triển, hoạt động lãnh đạo của Đảng ta. Nếu không làm tốt công tác này, Đảng sẽ bị già hóa, trì trệ, giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”. Người vạch rõ tính tất yếu, yêu cầu, phương châm, phương pháp của công tác phát triển đảng là: “Để làm tròn nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang… Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng”. Vì vậy, tiến hành công tác phát triển đảng viên là yêu cầu khách quan, thường xuyên trong hoạt động lãnh đạo và công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhằm tăng thêm sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng.

Quán triệt quan điểm đó, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác bồi dưỡng, kết nạp và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xác định là nhiệm vụ thường xuyên và là một chỉ tiêu quan trọng trong nghị quyết các kỳ đại hội đảng bộ. Các tổ chức đảng đã quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phát triển đảng viên, như  Chỉ thị 14-CT/TU, ngày 15/3/2013 về “Tăng cường công tác phát triển đảng viên ở địa bàn, lĩnh vực còn khó khăn và ít đảng viên”, Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 20/11/2014 về “Củng cố, phát triển tổ chức đảng và tăng cường kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, Quyết định 399-QĐ/TU, ngày 18/11/2016 ban hành “Đề án phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020”. Nhiều tổ chức đảng đã chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát nguồn quần chúng ưu tú hiện có; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu, lý tưởng của Đảng, qua đó tạo nguồn kết nạp Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, làm gương cho quần chúng tự nguyện và tích cực phấn đấu xây dựng động cơ vào Đảng đúng đắn. Đa số các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã làm tốt công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu bổ sung vào nguồn phát triển đảng viên để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, bằng việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, công tác kết nạp đảng viên mới đạt được kết quả quan trọng; trung bình mỗi năm kết nạp được 1.989 đảng viên, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra (1.400 - 1.500 đảng viên/năm), số đảng viên trong toàn tỉnh đến tháng 12/2020 là 47.478 đảng viên, chiếm 7,4% dân số toàn tỉnh. Kết quả đó đã góp phần đưa 100% thôn, bản, khu phố có đảng viên và giảm đáng kể thôn, bản, khu phố sinh hoạt chi bộ ghép. Chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng lên, nhất là trình độ học vấn ngày càng tăng, số đảng viên mới kết nạp là đoàn viên, thanh niên chiếm tỷ lệ lớn, đã góp phần làm tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Việc kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức cơ bản thực hiện đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, thủ tục theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Tuy nhiên, qua báo cáo của cơ quan chức năng nhận thấy một thực tế là việc kết nạp đảng viên đang có xu hướng giảm qua các năm gần đây. Nếu như tổng số đảng viên mới kết nạp trong nhiệm kỳ 2015-2020 là 8.280 đảng viên, vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra, nhưng số lượng kết nạp đảng viên giảm dần qua từng năm: năm 2016 kết nạp 2.116 đảng viên; năm 2017 kết nạp 2.065 đảng viên; năm 2018 kết nạp 1.796 đảng viên; năm 2019 kết nạp 1.416 đảng viên. Riêng năm 2020 kết nạp 887 đảng viên, chỉ đạt 59,1% chỉ tiêu kế hoạch, thậm chí một số đảng bộ cơ sở trong năm không phát triển được đảng viên nào; có đơn vị số lượng phát triển đảng thấp hơn số đảng viên xin ra khỏi đảng hoặc bị xóa tên, đây là vấn đề lớn mà các cấp ủy cần quan tâm. Công tác phát triển đảng ở hầu hết các địa phương khu vực đồng bằng chưa tương xứng với quy mô dân số; việc tạo nguồn phát triển đảng gặp khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn, đô thị, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo, trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước; phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Vẫn còn một số lượng khá lớn  người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và lao động tự do ở tại các địa phương có đủ tiêu chuẩn, điều kiện song chưa muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cơ cấu đảng viên mới chưa hợp lý, số đảng viên là chủ doanh nghiệp, công nhân, người lao động trong doanh nghiệp còn khá ít, không tương xứng với sự phát triển của lực lượng này trên địa bàn tỉnh trong các năm qua. Tỷ lệ trưởng thôn, bản, tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ở khu dân cư là đảng viên còn thấp; chất lượng đảng viên mới kết nạp có mặt chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm đúng mức đến công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, chỉ đạo, đôn đốc công tác phát triển đảng viên thiếu quyết liệt, sâu sát. Công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ một số nơi còn coi nhẹ, chưa tạo được động lực, phấn đấu của quần chúng. Một thực tế là lực lượng lao động trong độ tuổi thanh niên thường xuyên di chuyển đi làm ăn xa, ít ở nơi cư trú, hàng năm có gần 1.000 thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự theo luật định, làm giảm đáng kể nguồn kết nạp ở địa bàn dân cư. Đối với các cơ quan hành chính đa số cán bộ, công chức, viên chức đã là đảng viên, trong khi đó thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên nhiều năm nay các cơ quan, đơn vị rất ít hoặc không tuyển thêm biên chế mới là đối tượng quần chúng, do vậy có nhiều TCCSĐ không còn nguồn quần chúng. Nhiều chủ doanh nghiệp trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhận thức chưa đầy đủ về chủ trương phát triển đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, chưa tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp; người lao động trong doanh nghiệp tư nhân làm việc không ổn định, đa số chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập, không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng. Một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức sinh hoạt (thường sinh hoạt ngoài giờ làm việc, ngày nghỉ); một bộ phận không nhỏ đoàn viên, hội viên ít quan tâm đến việc tham gia sinh hoạt các đoàn thể chính trị - xã hội; một số quy định về tiêu chuẩn kết nạp đảng viên chưa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế. Hai năm gần đây còn có một số nguyên nhân khách quan khác như các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung cao cho công tác chỉ đạo, chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19... nên chưa tập trung cao cho công tác phát triển đảng.

Xã hội càng phát triển, càng đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác xây dựng đảng, trong đó có công tác phát triển đảng viên mới. Nói cách khác, công tác phát triển đảng viên mới là một khâu quan trọng trong việc xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Do đó, cần phải làm thật tốt công tác này để làm sao Đảng ta thật sự thu hút được những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất về phẩm chất, năng lực, trí tuệ để kết nạp vào Đảng; chỉ có như vậy, Đảng ta mới có đủ uy tín, năng lực, trí tuệ để lãnh đạo cách mạng.

Để công tác phát triển đảng thật sự có chất lượng, các cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định rõ công tác phát triển đảng viên là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Cần phải thực hiện tốt nhiều khâu, nhiều bước theo một quy trình chặt chẽ, nghiêm túc: từ tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức, trong đó khâu tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì chỉ có tạo nguồn, bồi dưỡng tốt thì mới bổ sung được cho Đảng những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, uy tín và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Ngược lại, nếu làm không tốt, không chỉ triệt tiêu tính tích cực phấn đấu của quần chúng mà tổ chức đảng, đảng viên sẽ mắc bệnh hẹp hòi, cầu toàn hoặc tùy tiện hạ thấp tiêu chuẩn và điều kiện của người vào Đảng, gây tác hại nhiều mặt, làm cho công tác phát triển đảng viên không thực hiện được yêu cầu đề ra. Do vậy, các tổ chức đảng cần chủ động có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng; phân công cấp ủy viên, các đoàn thể theo dõi, giúp đỡ và giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đảng viên cho từng chi bộ. Hằng năm lấy kết quả công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên ở cơ sở làm căn cứ tính điểm thi đua khen thưởng cuối năm. Mặt khác, phải thông qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao và qua phong trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở để bồi dưỡng, rèn luyện người vào Đảng.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân nhận thức sâu sắc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới nhằm củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong toàn xã hội, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị để đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân phấn đấu vào Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án “phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Tăng cường mối quan hệ công tác giữa các địa phương với các doanh nghiệp trong công tác phát triển đảng viên; thực hiện các giải pháp linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đảng viên làm việc trong doanh nghiệp, làm ăn xa, khai thác thủy sản trên biển được sinh hoạt đảng đầy đủ và quần chúng là công nhân, người lao động trong doanh nghiệp được theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng phát triển Đảng; tạo điều kiện về thủ tục cho đảng viên khi xuất khẩu lao động và có chính sách thu hút đảng viên xuất khẩu lao động trở về địa phương.

Tập trung rà soát nguồn, quan tâm giáo dục, tạo điều kiện kết nạp đảng đối với các đối tượng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là ngành giáo dục, y tế; học sinh, sinh viên trong các các trường THPT, dạy nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh; lao động trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và lao động tự do. Tiếp tục tạo nguồn, phát triển đảng trong các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo, đoàn viên thanh niên.

Đối với các đảng ủy xã, phường, thị trấn cần tập trung chỉ đạo cấp ủy ở khu dân cư rà soát, nắm chắc nguồn để phân công nhiệm vụ bồi dưỡng kết nạp quần chúng vào Đảng. Quan tâm theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng là trưởng thôn, khóm, bản, tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng, phó các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa phải là đảng viên vào Đảng, đi đôi với việc chú trọng lựa chọn, giới thiệu đảng viên có phẩm chất, năng lực, uy tín để Nhân dân bầu làm trưởng thôn, khóm, bản, tổ trưởng tổ dân phố, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở địa bàn dân cư. Chú trọng tạo nguồn đối với các đối tượng là bí thư chi đoàn, lãnh đạo các chi hội đoàn thể, bộ đội xuất ngũ, y tế, giáo viên, học sinh, sinh viên ra trường để kết nạp Đảng.

Chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp, công ty đến đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, từng bước khắc phục khó khăn về nguồn đối tượng Đảng. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội LHPN, Hội Nông dân, Công đoàn cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết nạp đoàn viên, hội viên; tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt thiết thực nhằm tạo diễn đàn cho đoàn viên, hội viên tham gia, qua đó phát hiện, giúp đỡ, bồi dưỡng, giáo dục, tạo nguồn kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng.

Căn cứ tình hình thực tiễn của từng đối tượng kết nạp Đảng để linh hoạt trong việc bố trí các lớp đối tượng Đảng, lớp đảng viên mới cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quần chúng ưu tú và đảng viên dự bị được tham gia học tập đầy đủ (có thể bố trí ngày nghỉ, ngoài giờ hoặc không nhất thiết phải giảng dạy tất cả những nội dung trong bài mà có thể để học viên tự nghiên cứu), tránh tình trạng quần chúng muốn phấn đấu vào Đảng nhưng không có điều kiện tham gia học lớp cảm tình Đảng hoặc đảng viên trong thời gian dự bị không được tham gia lớp đnagr viên mới trước khi xét chuyển đảng chính thức, nhất là đối tượng đang làm việc trong các doanh nghiệp. Đồng thời chú trọng rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các quy định, thủ tục hành chính còn phức tạp, chưa phù hợp liên quan đến công tác phát triển đảng, tạo điều kiện để thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng. Hải Yến

 

 

 

20036 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 837
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 837
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76401089