Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết, phát triển cụm ngành công nghiệp đang là một công cụ quan trọng được áp dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp và tăng cường tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Trong số cụm công nghiệp đó, phải kể đến cụm công nghiệp ô tô. Thời gian qua, Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng gói chính sách phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam với mục tiêu làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng, để ngành sản xuất ô tô trong nước thực sự phát triển hiệu quả trong tương lai.

Hội thảo dành thời gian phân tích về kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển ngành công nghiệp ô tô
 (Ảnh: HNV)

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Chiến lược chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương, mạng lưới nhà phân phối cấp 1 hiện tại ở Việt Nam rất ít, việc sản xuất cũng mới ở diện hợp tác liên kết và dừng ở mức độ lắp ráp là chủ yếu. Qua phân tích về kinh nghiệm phát triển cụm công nghiệp ô tô ở Nhật Bản, Trung Quốc và Thái Lan, bà Thúy cho rằng, Việt Nam cần tiếp cận trình tự phát triển các cụm công nghiệp như các nước đã triển khai, tập trung thu hút đầu vào cho sản xuất ô tô, xây dựng năng lực bảo đảm, củng cố phát triển ngành công nghiệp ô tô. Năng lực đó được thể hiện ở cơ sở hạ tầng (cứng, mềm) với các khu công nghiệp tập trung, nhà xưởng, điện-đường-trường-trạm khang trang, hiện đại và các công nghệ hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến đồng thời nghiên cứu các yếu tố về sáng tạo, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động… Ngoài ra, phải cam kết cũng như thể hiện quyết tâm của chính quyền các cấp về sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Thêm nữa, không ngừng tìm kiếm và mở rộng các cơ hội thị trường cho ngành sản xuất ô tô trong nước.

Trong khi đó, theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tốt vì dân số đông và tăng trưởng GDP tăng trưởng nhanh. Thống kê hiện nay cho thấy, Việt Nam đang có khoảng gần 3 triệu xe ô tô và 50 triệu xe máy trên phạm vi cả nước. Con số này chỉ rõ, việc sử dụng ô tô mới chỉ chiếm 2-3% dân số và nhu cầu sử dụng ô tô vẫn còn rất lớn.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có ngành sản xuất ô tô gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines nhưng quy mô thị trường nhỏ bé rất nhiều so với Thái Lan và Indonesia.
 

Ảnh minh họa: HNV

Năm 2018 tới đây, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong khối ASEAN sẽ về mức 0% cộng với thuế suất linh kiện ô tô vẫn giữ nguyên, không thay đổi sẽ là một trong những khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất ô tô trong nước. Thêm vào đó, do thị trường nhỏ, sản lượng nhỏ, việc khấu hao đầu tư thiết bị lớn, chi phí sản xuất cao hơn làm cho sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam càng khó có thể cạnh tranh.

Thực tế, việc nội địa hóa ngành sản xuất hiện nay cần phải cắt giảm chi phí thì mới duy trì và phát triển. Kinh nghiệm thực tiên từ phát triển ngành công nghiệp ô tô của các nước phát triển cũng nêu rõ, sản lượng tăng kéo theo nội địa hóa linh kiện ngày càng nâng cao nhưng quá trình diễn ra rất lâu. Hơn nữa, 4 trong số 5 quốc gia có ngành công nghiệp ô tô trong khối ASEAN là Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines đều đã đưa ra các chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp ô tô. Việt Nam mặc dù đã có Quy hoạch ngành công nghiệp ô tô và Kế hoạch hành động đã ban hành nhưng chưa có một chính sách cụ thể, rõ ràng hỗ trợ nào. Bởi thế, ông Phạm Anh Tuấn kiến nghị, để giúp phát triển thị trường, chính sách thuế và chính sách liên quan đến ngành sản xuất ô tô phải ổn định và đồng bộ. Về hỗ trợ sản xuất, cần triển khai các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó, xem xét giảm/bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhằm giảm chi phí sản xuất của xe trong nước với xe nhập khẩu; thực hiện ưu đãi cho các nhà sản xuất nội địa để duy trì sản xuất trong nước khi thị trường chưa đủ lớn, nhất là hỗ trợ nội địa hóa cho cả nhà sản xuất xe và nhà cung ứng nhằm cắt giảm chi phí cũng như tăng năng lực cạnh tranh./.

Lê Anh